Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Hệ thống thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng như một địa chỉ sinh hoạt văn hóa – tinh thần thiết thực. Đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; sinh hoạt tư tưởng; giáo dục, phổ biến pháp luật... Qua đó, góp phần gắn kết cộng đồng trong một không gian văn hóa, có thể ví như 'mái đình' thời hiện đại.

Nhà văn hóa thuộc Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) được đầu tư xây dựng khang trang.

Với vai trò và ý nghĩa như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là một nội dung trọng tâm của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) suốt 20 năm qua. Theo đó, ban chỉ đạo phong trào các cấp đã chú trọng huy động nhiều nguồn lực và có nhiều cơ chế chính sách riêng cho công tác này. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa - thể thao xã, với mức 4,5 tỷ đồng/công trình đối với các xã thuộc huyện 30a, vùng 135, xã bãi ngang ven biển; 4 tỷ đồng/công trình đối với các xã miền núi, ngoài các xã thuộc huyện 30a; 3,5 tỷ đồng/công trình đối với các xã còn lại.

Cùng với đó, các địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác phát triển văn hóa; Đề án quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn... Đến nay, các huyện/thị xã/thành phố đã cơ bản hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều địa phương như Nga Sơn, Hà Trung, Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, TP Sầm Sơn... đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao với mức từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/công trình. Ngoài việc đầu tư, hỗ trợ các điều kiện, phương tiện phục vụ hoạt động cho cơ sở, các địa phương còn phối hợp với các đơn vị sự nghiệp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch để xây dựng tủ sách lưu động, giao lưu sách báo, tra cứu thông tin; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho các câu lạc bộ, các nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản... với trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, công tác xã hội hóa đã được thực hiện tương đối tốt. Từ đó, huy động được nguồn lực to lớn trong Nhân dân để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Điển hình là việc xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có giá trị hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu như các xã Quý Lộc (huyện Yên Định), Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), Nga An và Nga Thanh (huyện Nga Sơn), Trường Sơn và Tế Lợi (huyện Nông Cống), Quảng Yên (huyện Quảng Xương), Quảng Minh và Quảng Hùng (TP Sầm Sơn).

Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 8 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, bao gồm Sân vận động tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Nhà hát Ca - Múa - Kịch Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Thư viện tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng. 27/27 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện (trung tâm văn hóa - thông tin, trung tâm văn hóa - thể thao, trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch) và 2/27 huyện có nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện (TP Thanh Hóa và huyện Nga Sơn). Cùng với đó, tính đến tháng 8-2020, toàn tỉnh có 545/559 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã (trong đó có 413/559 thiết chế đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 73,9%). Ngoài ra, sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố (theo Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 17-8-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa), hiện toàn tỉnh có 4.187 nhà văn hóa - khu thể thao trên tổng số 4.357 thôn, bản, tổ dân phố (trong đó có 3.372/4.357 thiết chế đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 77,4%).

Thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, đã góp phần đưa phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển ngày càng hiệu quả và chất lượng. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Đặc biệt, từ công tác này đã thúc đẩy các hoạt động văn hóa tại cơ sở ngày càng phát triển. Theo đó, toàn tỉnh hiện có gần 5.000 đội văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức trên 30.000 buổi sinh hoạt văn nghệ và thu hút 30% số người dân tham gia. Đồng thời, toàn tỉnh có 42,6% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 29,8% hộ gia đình thể thao; 3.370 câu lạc bộ thể dục thể thao... Sự đa dạng, phong phú của các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc huy động các nguồn lực, nhất là công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở một số địa phương vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, ở nhiều huyện miền núi, quỹ đất cho quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hóa chưa bảo đảm; việc khai thác, sử dụng nhà văn hóa - khu thể thao thôn hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, sau khi sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố đã phát sinh tình trạng dư thừa nhà văn hóa thôn. Song các thiết chế văn hóa dư thừa này cũng chưa được khai thác hiệu quả, do không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thôn mới (thiếu số chỗ ngồi, cơ sở vật chất thiếu thốn, địa điểm chưa phù hợp...). Đây là những khó khăn, bất cập đang đặt ra và đòi hỏi chính quyền các địa phương cần có giải pháp khắc phục, nhằm góp phần đưa phong trào TDĐKXDĐSVH thực sự đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huy-dong-cac-nguon-luc-xay-dung-he-thong-thiet-che-van-hoa/126709.htm