Huy động các nguồn lực để chống ngập bền vững

Sau một thời gian nghiên cứu, tính toán, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Phân viện Kinh tế xây dựng miền nam (Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng) ban hành định mức và đơn giá chống ngập nhằm hướng tới tìm các giải pháp, nguồn lực để xã hội hóa công tác chống ngập trên địa bàn thành phố.

Đây là đơn giá để tính giá trị công việc thực hiện, người dân không phải đóng góp khoản tiền này; là mức giá được nhiều doanh nghiệp tư nhân "mong ngóng" từ lâu, khi có ý muốn tham gia chống ngập. Ông Lê Trọng Vĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH, nơi đề xuất thành phố xây dựng bảy hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản, cho biết, dù hồ điều tiết ngầm phát huy hiệu quả tại Nhật Bản, Ðức… nhưng vẫn chưa thể triển khai tại thành phố, vì chưa thể tính đơn giá định mức công trình. Ông Lê Trọng Vĩnh cho rằng: "Nay mức giá được công bố, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có căn cứ để bàn thảo công việc chi tiết hơn". Ðại diện Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) nhận định, giá thành chống ngập sẽ giúp doanh nghiệp và chính quyền thành phố tháo gỡ những vướng mắc lâu nay, mở ra hướng kết hợp trong những dự án tương lai. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Công ty Quang Trung đã lắp đặt siêu máy bơm, có công suất từ 27.000 đến 96.000 m3/giờ, chống ngập cho lưu vực rộng 75 ha trên địa bàn phường 22 (quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, doanh nghiệp và Sở Xây dựng đã mất hơn một năm để tính đơn giá định mức công trình, vì không có đơn giá tính toán. Cuối cùng, hai bên phải "chốt" mức giá thuê máy bơm 14,2 tỷ đồng/năm, dựa trên thống nhất chung, chứ không theo căn cứ cụ thể nào.

Mới bước vào mùa mưa nhưng tình trạng ngập úng tại các điểm cố hữu tiếp tục "hành" người dân. Ông Vũ Văn Ðiệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố còn 22 tuyến đường bị ngập. Hiện, nhiều tuyến đường không còn ngập sâu (vì được nâng cao) nhưng đường nhánh có đông dân sinh sống thì ngập lụt mỗi khi trời mưa hay triều cường diễn ra thường xuyên. Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến thành phố chống mãi mà không hết ngập chính là thiếu tiền, các giải pháp còn chắp vá và manh mún. Kinh phí để thực hiện các dự án chống ngập của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 96.527 tỷ đồng. Nhưng, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng 15.851 tỷ đồng. Nguồn ngân sách trung ương là 588 tỷ đồng. Phần còn lại huy động từ xã hội hóa và nguồn vốn ODA kết hợp PPP. Giai đoạn 2016 - 2018 (trọng điểm) thành phố cần khoảng 73.400 tỷ đồng nhưng tổng nguồn kinh phí (ngân sách thành phố, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa) có thể đáp ứng và giải ngân chỉ đạt gần 27.000 tỷ đồng.

Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ngoài việc thực hiện quy hoạch tổng thể về hạ tầng thì thành phố cần có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, cũng như có cách tiếp cận mới các giải pháp chống ngập. Tiếp theo, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập như: Xây dựng hồ điều tiết nước, đập ngăn triều, đặc biệt là phải tận dụng thật tốt hệ thống kênh, rạch lớn của thành phố làm giải pháp điều tiết. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách không hiệu quả, chính quyền thành phố quyết định sẽ thu hút các nguồn lực xã hội để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định, việc xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư trong thực hiện đề án chống ngập là cần thiết và cấp bách. Mục tiêu quan trọng là không để tái ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của năm lưu vực ngoại vi, rộng 550 ha đã được giải quyết ở giai đoạn 2016 - 2020. "Thời gian tới, phải thu hút các nguồn lực, tập trung giải quyết chống ngập một cách bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41 km2", ông Võ Văn Hoan yêu cầu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44867302-huy-dong-cac-nguon-luc-de-chong-ngap-ben-vung.html