Huy động 135 tỷ USD thực hiện Quy hoạch điện VIII cách nào?

Theo đại diện ADB, nguồn vốn đặt ra trong Quy hoạch điện VIII rất lớn, vì vậy, cần cách tiếp cận mới và hấp dẫn để hút đầu tư vào ngành điện.

Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành hôm 15/5, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 gần 135 tỷ USD, tương đương trung bình 13,5 tỷ USD/năm, trong đó nhu cầu cho truyền tải trung bình khoảng 1,5 tỷ USD/năm.

Với giai đoạn 2031-2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải là 399,2-523,1 tỷ USD, trong đó nhu cầu cho truyền tải khoảng 1,7-1,9 tỷ USD/năm.

Vậy giải pháp nào để đủ vốn cho Quy hoạch điện VIII? Báo Giao thông phỏng vấn bà Hyungjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Phòng năng lượng Đông Nam Á, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xung quanh vấn đề này.

Bà Hyungjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Ngân hàng Phát triển Châu Á

Bà Hyungjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Ngân hàng Phát triển Châu Á

Cần cách tiếp cận mới và hấp dẫn

Bà đánh giá như thế nào về tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện được đặt ra trong Qquy hoạch điện VIII?

Tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện cao hơn nhiều so với trước đây. Với nguồn điện, nếu giai đoạn từ 2016-2020 (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh), mỗi năm cần khoảng 7,9 tỷ USD, thì giai đoạn 2021-2030, con số cần huy động nâng lên 12 tỷ USD mỗi năm.

Với lưới điện, đạt mức đầu tư cao nhất ở giai đoạn 2016-2020, ngưỡng 0,8 tỷ USD mỗi năm, nhưng đã giảm xuống còn 0,5-0,6 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 do đại dịch Covid-19. Song, giai đoạn từ nay đến năm 2030, con số cần huy động còn tăng gần gấp đôi mốc cao nhất từ trước đến nay và gần gấp 3 lần giai đoạn liền kề trước đó. Đây là con số khổng lồ để đáp ứng các mục tiêu phát triển trong thập kỷ này...

Do đó, Việt Nam cần những cách tiếp cận mới và hấp dẫn để khuyến khích thu hút vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải.

Theo bà, Việt Nam cần cụ thể hóa các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành điện như thế nào?

Việt Nam đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đúng đắn cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong Quy hoạch điện VIII. Lộ trình, kế hoạch đúng đắn này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, cải thiện an ninh năng lượng và đảm bảo khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Tuy nhiên, chi phí để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tương đối cao. ADB và các đối tác quốc tế cam kết cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Chính phủ Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi này. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), chính phủ và các nhóm đối tác quốc tế (IPG) đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị một kế hoạch huy động nguồn lực.

Bên cạnh đó, ADB đang xây dựng hỗ trợ kỹ thuật về cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) với chính phủ Việt Nam như một cơ chế tài chính khí hậu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua giảm thiểu carbon với chuyển đổi nhiên liệu và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

Theo tôi, quy hoạch điện VIII nên xem xét cách khai thác các nguồn lực của JETP và ETM sẵn có cũng như đầu tư của khu vực tư nhân.

Thí điểm các dự án lưới điện truyền tải theo hình thức PPP

Quy hoạch cũng ghi rõ, nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải. Vậy, Việt Nam cần làm gì để thu hút xã hội hóa vào truyền tải điện, thưa bà?

Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng với quy trình thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, chẳng hạn như quy trình hợp tác công tư (PPP)/đấu giá/đấu thầu/chỉ định thầu với các dự thảo thỏa thuận/hợp đồng mẫu, thu hồi đất và chuẩn bị nghiên cứu khả thi, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giấy phép và phê duyệt và khung định giá điện truyền tải…

Khung quy định này nên bắt đầu từ loại hình PPP được sử dụng phổ biến nhất, dự án truyền tải độc lập (independent transmission project - ITP). Tuy nhiên, cũng nên xem xét các trường hợp các dự án truyền tải kết hợp với các dự án năng lượng tái tạo, như các dự án điện gió ngoài khơi. Điều này rất quan trọng khi xem xét đường dây truyền tải điện dài và công suất lớn để truyền tải điện từ các dự án điện gió ngoài khơi.

Tôi cho rằng, nên thí điểm các dự án lưới điện truyền tải theo hình thức PPP (độc lập và kết hợp với năng lượng tái tạo) thông qua đấu thầu cạnh tranh để xây dựng khung pháp lý, chính sách, ưu đãi và quy định mới.

Thực tế, năm 2021, giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,78 đồng/kWh, năm 2022 là 69,44 đồng/kWh. Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) cho hay, với mức giá truyền tải khoảng 86,25 đồng/kWh, chiếm 4,63% giá điện bình quân và dự kiến tăng lên cao nhất là 145,37 đồng/kWh trong giai đoạn 2021-2030, thì các phương án huy động vốn cho truyền tải đều không khả thi, cho dù vốn đầu tư là vốn nhà nước hay ngoài nhà nước. Giải pháp nào hóa giải điểm vênh này, thưa bà?

Không có phép màu để thu hẹp khoảng cách này. Nhưng chúng ta vẫn có thể giảm chi phí vốn bằng cách sử dụng các nguồn tài chính từ các quỹ khí hậu toàn cầu và các cơ chế tài chính sẵn có cho các dự án chuyển đổi năng lượng.

Là một trong những tổ chức tài chính phát triển hàng đầu tại Việt Nam với trọng tâm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, ADB đang giới thiệu cơ chế chuyển dịch năng lượng (ETM) tại Việt Nam để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng hợp lý và công bằng.

Đối với vốn ngoài nhà nước, chi phí đầu tư có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng quy trình đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư tư nhân cho các dự án truyền tải như đã đề cập ở trên.

Sử dụng cơ chế thị trường để thu hút đầu tư

Để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, theo bà, Chính phủ Việt Nam cần thêm những giải pháp gì?

Ngành điện Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài năm gần đây và có thể sẽ còn nhiều hơn nữa trong những năm tới.

Để thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cần xây dựng nhiều quy định mới, chính sách dài hạn và có thể dự đoán được, như thực hiện cơ chế đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng các kế hoạch thực hiện với vai trò, trách nhiệm rõ ràng cũng như điều phối hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

Tốc độ là chìa khóa, và nếu chúng ta trì hoãn bất kỳ hành động nào, nguy cơ thiếu điện và khả năng không đạt được các mục tiêu về khí hậu sẽ rất cao.

Ngoài ra, chính phủ nên hoàn thành cải cách thị trường điện bán buôn và sử dụng cơ chế thị trường để thu hút đầu tư cho các dịch vụ lưới điện mới thông qua lưu trữ năng lượng, điều chỉnh phụ tải và xe điện.

Điều quan trọng là phải xây dựng năng lực cho cán bộ chính phủ hiểu biết các công nghệ, chính sách và quy định cũng như khả năng áp dụng vào ngành điện Việt Nam. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh các hành động cần thiết của Chính phủ.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Trong Quy hoạch điện VIII đã đề ra các giải pháp huy động nguồn vốn như là: rà soát các cơ chế chính sách; đa dạng hóa các hình thức thu hút doanh nghiệp tư nhân, nhà nước; tận dụng hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho phát triển điện lực, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng trên cơ sở những hợp tác quốc tế, những cam kết các bên về chuyển đổi công bằng…

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-nao-de-huy-dong-du-von-cho-quy-hoach-dien-viii-d592823.html