'Huy chương vàng' cho gạo Việt

Thật đáng tự hào khi gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới vào cuối tháng 11/2019.

Khi tết đến xuân về, bất cứ người dân Việt nào cũng mong muốn mua được gạo “chuẩn” ngon nhất thế giới để ăn tết.

Sự kiện gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự nghiên cứu, sản xuất được vinh danh là hạt gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi Gạo ngon thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Philippines đã tạo nên một trang lịch sử cho ngành nông nghiệp Việt Nam, một niềm tự hào dân tộc.

Kỹ Sư Hồ Quang Cua (thứ ba, trái) nhận giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” cho gạo ST25.

Kỹ Sư Hồ Quang Cua (thứ ba, trái) nhận giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” cho gạo ST25.

Sự độc đáo của giống lúa ST

Các giống gạo thơm ST cho năng suất cao (trên 5 tấn/ha), lại sản xuất 2 – 3 vụ/năm. Không chỉ có mùi thơm của dứa mà các giống ST còn thoang thoảng hương cốm. Đây chính là nét riêng biệt, độc đáo của giống gạo thơm ST.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa lúa của cả nước. Dòng gạo thơm ST – nhất là khi ST25, ST24 được xếp vào loại ngon nhất thế giới sẽ đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu gạo ở phân khúc gạo thơm. Hy vọng trong tương lai không xa, giống lúa ngon nhất thế giới sẽ phủ khắp ĐBSCL và đang lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước (những vùng đất phù hợp với việc trồng giống ST25). Điều này sẽ tạo nên một bước ngoặt cho sản xuất lúa gạo và nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, giống ST24, ST25 chống chịu tốt với ngoại cảnh, thời gian sinh trưởng ngắn từ 95 đến 97 ngày. Chịu mặn tốt nên giống lúa thơm ST được xem là một lựa chọn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn công tác tổ chức trong cánh đồng lớn, chúng ta sẽ đưa những nông dân ra với thế giới, tức sản phẩm của họ hội nhập với thị trường lúa gạo toàn cầu.

Để hiện thực hóa việc triển khai giống lúa ST25 trên diện rộng, kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự đã gửi hồ sơ về giống lúa ST25 ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với mong muốn giống lúa này sớm được công nhận để có thể cung ứng cho bà con sản xuất trên quy mô rộng hơn.

Sau khi được công nhận giống, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng những vùng trồng chuyên canh, thì các địa phương và người nông dân cũng nên bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo này. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo nên tính đến việc đầu tư cho sự phát triển của các vùng trồng lúa ST25 để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững về lâu dài, tạo điều kiện xuất khẩu gạo ngon với giá cao.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: "Về khảo nghiệm của giống ST25 theo quy định là đủ, về bảo hộ quyền tác giả và các thứ khác như tính đồng nhất, tính ổn định của giống ST25 các cơ quan cũng đã làm đủ. Và theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sẽ đặc cách công nhận giống này”.

"Trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhưng người nông dân, nhà khoa học của Việt Nam có thể sản xuất được gạo ngon nhất thế giới. Điều này đã đẩy lùi mặc định rằng chỉ có lúa mùa, lúa tự nhiên của Việt Nam mới ngon.

Đừng “tham bát, bỏ mâm”

Sắp tới, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất theo đơn đặt hàng của thế giới. Nó nằm trong tay chúng ta, vấn đề là chúng ta có làm tốt, có quyết tâm hay không", ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh.

Trong khi giống lúa ST25 vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và trồng thí điểm, ngay khi thông tin gạo ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới, thì trên thị trường đã xuất hiện gạo “nhái” ST25 bày bán tran lan.

Ông Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, em tôi đề nghị ông Cua cung cấp mỗi tháng 1 tấn gạo ST 25 để phân phối mà chính ông Cua cho biết chưa có gạo. Vậy mà trên thị trường đầy gạo ST25 thì vô lý quá. Theo ông Sáu, chính quyền cần chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý thị trường, chống gian lận thương mại về lúa gạo vào cuộc vì nếu không sẽ dẫn tới một điều nguy hiểm là người dân sẽ mất lòng tin với gạo ST thật.

Thiết nghĩ, để nối dài thành quả đã đạt được, để Việt Nam trở thành là quốc gia số 1 về nông sản trên thế giới, để gạo ngon nhất thế giới không chỉ để ăn tết mà hiện hữu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, của người dân các nước trên thế giới. Rất cần sự nhanh chóng vào cuộc của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ban ngành liên quan, các tỉnh, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cái “tâm” của các thương nhân.

Lê Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/huy-chuong-vang-cho-gao-viet-165434.html