Hưu trí và lẽ công bằng

Những tháng gần đây, hưu trí, lương hưu là những từ được nhắc đến nhiều, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội về những vấn đề liên quan thiết thân đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) và công bằng xã hội.

Với mỗi người khi trưởng thành đều phải tìm kiếm việc làm. Trong nghĩa đơn sơ nhất, làm việc, là để nuôi bản thân, gia đình. Rộng hơn, là cống hiến cho xã hội. Rồi trải qua tháng năm dài làm việc, đến lúc đủ điều kiện nghỉ hưu. Thế mà đùng một phát, rộ lên chuyện cả ngàn giáo viên mầm non lãnh lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.

Lật lại quá trình phát triển của ngành BHXH Việt Nam, lại thấy mọi chuyện đều do hoàn cảnh lịch sử. Khi hệ thống BHXH mới bắt đầu vận hành từ năm 1995, thời gian công tác trước đây của người hưởng lương ngân sách được công nhận, xem như là đã đóng BHXH. Một số đối tượng như giáo viên mầm non, cán bộ phường xã lúc này không được xem xét để tính. Sau này, họ được tham gia BHXH thì thời gian công tác trước đó cũng không được tính vào.

Trong khi đó, những năm đầu áp dụng BHXH không khống chế mức đóng nên có những NLĐ làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hưởng lương rất cao, đóng trên nền lương đó nên sau này họ nghỉ hưu lãnh hằng tháng hàng chục triệu đồng, có trường hợp cả trăm triệu đồng. Sau đó, đã điều chỉnh, khống chế mức đóng BHXH cao nhất không quá 20 tháng lương tối thiểu vùng, nên hiện nay số người hưởng lương hưu hơn 80 triệu đồng/tháng không còn nhiều. Sự bất cập trong chính sách BHXH càng bộc lộ rõ nhất là quy định dự kiến áp dụng từ 1-1-2018 được báo chí và nhiều ban ngành đề xuất tạm ngưng không thực hiện vì bất công với lao động nữ.

Yêu cầu sửa đổi là đúng, được đông đảo NLĐ trong xã hội hoan nghênh. Nhưng thực tế cũng có một bộ phận nghỉ hưu nhưng không cần lương hưu vì tài sản bao la, tiền của tiêu xài mấy đời không hết. Khi được hạ cánh an toàn, khoản lương hưu đối với người khác sẽ là rất to nhưng với họ chỉ là hạt cát. Biết họ lương hưu cao ngất nhưng dư luận xã hội lại chú ý hơn đến các khoản khổng lồ ngoài lương của họ.

Mới đây, góp ý về Luật Tố cáo, có ý kiến đề nghị nên xem xét, không tố cáo người đã về hưu sợ bị ảnh hưởng uy tín cán bộ hưu trí. Ý kiến đó chỉ đúng một phần, ở chỗ cần bảo vệ người ngay, tránh bị vu oan giá họa. Nhưng bảo vệ có nhiều cách, không phải họ được miễn trừ mọi hình thức. Không thể vì phải bảo vệ uy tín cho tất cả mà vẽ ra vạch ngăn chia, kẻ ranh giới bất khả xâm phạm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng đã khẳng định không có vùng cấm trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà xử lý các ông Vũ Huy Hoàng, Phạm Thế Dũng... là điển hình. Luôn cần thiết bảo vệ cán bộ, xử lý người vu khống nhưng phải tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý cán bộ sai phạm và bảo vệ người tố cáo đúng…

Cũng là hưu thì đều hưởng quyền lợi tương xứng theo đóng góp, nhưng trước pháp luật phải bình đẳng mới là lẽ công bằng. Kẻ hưởng lương cao, còn được che chắn, còn NLĐ, giáo viên mầm non thì lương thấp, sống cực khổ đành chịu? Cần nhớ rằng đời sống có lý lẽ riêng của nó, phải thấu hiểu lẽ đời mới biết sống, biết làm việc đúng lương tâm.

CÁT KHÁNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/huu-tri-va-le-cong-bang-20171117222728435.htm