Hút thuốc nơi công cộng: Lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt có thể bị phạt lên đến 2 triệu đồng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút, còn làm ô nhiễm môi trường, khiến mọi người xung quanh không hút thuốc cũng mắc những bệnh như người hút thuốc.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc giao lưu, ăn uống, công tác, hội họp tại nhà hàng, khách sạn ngày càng trở nên phổ biến, vì vậy, việc thực hiện môi trường không khói thuốc là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn "Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020" đã xác định: "Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo", do đó, cần đẩy mạnh, nâng cao công tác của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường không khói thuốc.

Cũng theo ông Lâm: “Thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã, đang tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Cụ thể như, một số cơ quan báo chí chưa coi đây là nhiệm vụ; vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá. Nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đặc biệt các thông tin chưa đa dạng, đầy đủ, đa chiều”.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe thông tin về kết quả thực thi môi trường không khói thuốc tại Bến xe buýt Sài Gòn, Bến xe miền Tây (Thành phố Hồ Chí Minh); mô hình nhà hàng khách sạn, điểm du lịch không khói thuốc ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội); mô hình cai nghiện thuốc lá ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)...

Tiêu biểu như tại Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. HCM, đã có những biện pháp xử lý, xử phất rất mạnh tay. Phạt tối đa 2.000.000 đồng đối với lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt hút thuốc nơi công cộng.

Cụ thể, nếu vi phạm lần đầu tiên, lái xe, nhân viên phục vụ sẽ bị xử phạt 500.000 đồng. Nếu vi phạm lần 2, mức phạt sẽ tăng lên 1.000.000 đồng và bị đình chỉ hoạt động 5 ngày, phải đi học lại lớp nghiệp vụ xe buýt. Nếu vi phạm lần 3, mức phạt sẽ là 2.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động 10 ngày và đi học lại lớp nghiệp vụ xe buýt.

Cũng tại hội thảo, chia sẻ thông tin về mô hình nhà hàng - khách sạn không khói thuốc tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), bà Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, địa phương đã triển khai đề án mô hình từ năm 2017 cho đến nay và đã có 181 cơ sở khách sạn, nhà hàng ký cam kết thực hiện.

Trong năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra 145 nhà hàng - khách sạn, xử phạt 9 cơ sở tổng số tiền là 66.000.000 đồng. Năm 2018, kiểm tra 149 cơ sở, xử phạt 27 nhà hàng - khách sạn với số tiền 193.500.000 triệu đồng.

Tuấn Anh

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/hut-thuoc-noi-cong-cong-lai-xe-nhan-vien-phuc-vu-xe-buyt-co-the-bi-phat-len-den-2-trieu-dong-6242/