Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp ở trẻ em.

Theo các nhà nghiên cứu, chính khói thuốc lá là nguyên nhân khiến cấu trúc của phần sau mắt (màng đệm) trở nên mỏng hơn. Trong khi đó, lớp cấu trúc ở phía sau mắt lại chứa rất nhiều mạch máu và đóng vai trò lớn trong việc nuôi dưỡng võng mạc và phục hồi các chất phân rã thường xuyên trong mắt.

Để đi đến kết luận nói trên, các nhà khoa học đã tiến hành cuộc thử nghiệm với sự tham gia của 1.400 trẻ em từ 6 đến 8 tuổi, trong số đó có 941 trẻ em không tiếp xúc với khói thuốc lá.

So sánh các kết quả phân tích từ những đứa trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá với những đứa trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng màng mạch máu phía sau mắt những đứa trẻ bị phơi nhiễm khói thuốc lá mỏng hơn 6 đến 8 micromet so với những đứa trẻ không phơi nhiễm. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nếu một người càng hút nhiều thuốc lá thì màng đệm càng mỏng.

Về tác động của khói thuốc lá đến trẻ em, các nhà khoa học cũng cho biết, hệ thống thị giác của trẻ phát triển một cách tích cực tới năm 12 tuổi. Do đó, điều quan trọng là không hút thuốc trong phòng có trẻ em nếu không muốn trẻ có những bệnh về mắt trong tương lai.

Khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh về mắt ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh về mắt ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau cho người hút thuốc như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại.

Mỗi năm trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Y tế, có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Thực tế ở nước ta có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành.

Khí thải khói thuốc lá góp thêm hàng nghìn tấn chất gây ung thư, chất độc và khí nhà kính vào môi trường. Khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương mạch máu.

Người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động dễ bị các bệnh như: Rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: Mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy.v.v…

Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã thấp thụ số hóa chất độc hai tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.

Bảo Lâm (Theo National Post)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hut-thuoc-la-thu-dong-lam-tang-nguy-co-thoai-hoa-diem-vang-duc-thuy-tinh-the-d164971.html