'Hút' du học sinh Trung Quốc, Anh chớp cơ hội trở thành nền giáo dục 'đắt hàng' hàng đầu thế giới

Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến sinh viên Trung Quốc từ bỏ ''giấc mơ Mỹ'' để đến Anh học tập. Nhờ thu hút lượng du học sinh ''khủng'' từ Trung Quốc, Anh đang có cơ hội trở thành nền giáo dục 'đắt hàng' hàng đầu thế giới.

Du học sinh chụp ảnh vào ngày tốt nghiệp tại Đại học Birmingham, Anh. (Nguồn: SCMP)

Số lượng sinh viên Trung Quốc đến Anh đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Tuy vậy, vẫn còn đó những khác biệt chưa thể dung hòa trong việc hòa nhập của sinh viên Trung Quốc với môi trường học tập này.

Tham vọng của nền giáo dục Anh

Theo số liệu thống kê chính thức, số lượng đơn nhập học từ sinh viên Trung Quốc đến học tại các trường Đại học Anh đã tăng 30% kể từ năm ngoái. Cơ quan tuyển sinh Đại học UCAS (một tổ chức tuyển sinh tại Anh và Bắc Ireland có chức năng thu nhận hồ sơ đăng ký vào đại học của các thí sinh và chuyển chúng đến các trường đại học và cao đẳng ở Anh) tiết lộ, họ đã nhận được gần 20.000 đơn đăng ký bậc đại học từ sinh viên Trung Quốc trong năm nay (tăng từ 15.240 năm 2018). Con số thực tế sẽ cao hơn vì không phải tất cả số lượng đơn nhập học của du học sinh Trung Quốc đều được thực hiện thông qua UCAS.

Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học (HESA), trong năm 2007 - 2008, có 43.530 sinh viên Trung Quốc đang theo học ở Anh. Mười năm sau, tổng số lên tới 106.530 sinh viên, trong đó 46.070 sinh viên đang theo học hệ đại học và 60.460 là sinh viên học hệ sau đại học. Trung Quốc đang trở thành nơi có lượng sinh viên quốc tế lớn nhất tại các trường đại học Anh.

Clare Marchant, Giám đốc điều hành của UCAS cho biết, sự hấp dẫn của giáo dục đại học tại Anh chưa bao giờ rõ ràng hơn thời điểm này. Điều này thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên đến từ Trung Quốc.

Theo ông Chris Skidmore, Thành viên Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, sinh viên quốc tế có thể mang lại lợi ích về kinh tế và văn hóa to lớn cho nước Anh. ‘‘Những số liệu trên cho thấy, chúng tôi đang đạt được tiến bộ tốt trong tham vọng trở thành nền giáo dục hàng đầu thế giới cho tất cả các đối tượng có tiềm năng. Tôi tin rằng, nền giáo dục Anh có thể tiến xa hơn nữa’’, ông Chris Skidmore nói.

Richard Cotton, Giám đốc tuyển dụng và tiếp cận sinh viên tại đại học Manchester (Anh) cho biết, Đại học Manchester đóng vai trò ‘‘át chủ bài’’ của tham vọng này. Nơi đây sở hữu số lượng sinh viên Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu. Trong tổng số chỉ hơn 40.000 sinh viên của trường thì có tới 1/8 sinh viên là người Trung Quốc (khoảng hơn 5.000 sinh viên).

Đại học Manchester sở hữu số lượng sinh viên Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu. (Nguồn: SCMP)

Ông Richard Cotton cho biết, vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đến thăm Viện Graphene (NGI) thuộc Đại học Manchester, sau thời điểm đó, số lượng du học sinh Trung Quốc tại đây đã gia tăng đáng kể. ‘‘Sinh viên Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với tham vọng đưa Manchester là trở thành một trường đại học quốc tế thực thụ’’, ông Cotton bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Richard Cotton cũng cho rằng, trường đại học quốc tế thực sự sẽ sở hữu một số lượng lớn sinh viên quốc tế. Lượng sinh viên này sẽ mang đến sự kết nối cũng như cung cấp trải nghiệm từ khắp nơi trên thế giới cho sinh viên trong nước.

Khác biệt chưa thể dung hòa

Tuy nhiên, hiện tại, có những khó khăn đáng kể trong việc dung hòa giữa sinh viên Trung Quốc và môi trường học tập tại Anh.

Hiện tại, sinh viên Trung Quốc tập trung học tập trong một số lĩnh vực hạn chế, chẳng hạn như kế toán tài chính, kinh tế, nghiên cứu kinh doanh và kỹ thuật điện. Điều này dẫn đến việc sinh viên Trung Quốc sẽ thường tập trung tại một số lớp nhất định và họ sẽ chỉ giao lưu với nhau thay vì giao lưu, trao đổi, trải nghiệm với sinh viên Anh.

Một nhóm sinh viên đại học Trung Quốc tươi cười đi dạo trên đường phố Anh. (Nguồn: SCMP)

Tao Wang, một sinh viên khoa chính trị tại Đại học Manchester còn cho thấy những khó khăn đối với anh khi theo học tại đây là vấn đề an ninh. ‘‘Tại Anh, có rất nhiều vụ cướp và sinh viên từ Trung Quốc là đối tượng được đặc biệt nhắm đến. Điều này có thể là do định kiến rằng, sinh viên Trung Quốc rất giàu có’’, Tao Wang nói.

Bên cạnh đó Sinh viên Trung Quốc thường ở trong các căn hộ sinh viên, căn chung cư, trong khi, sinh viên Anh thường sống trong khu ký túc xá. Học sinh Trung Quốc thường thích học nhóm, làm bài tập về nhà cùng nhau. Thời gian rảnh, họ thường đi hát karaoke, mua sắm.

Ngược lại, thời gian rảnh, sinh viên Anh thường đi nhậu tại các quán rượu lớn. ‘‘Tôi đã nghe những lời phàn nàn từ những người bạn Trung Quốc của tôi rằng, họ không thể hòa nhập với nhiều người địa phương vì họ không thích quán rượu’’, Tao Wang nói.

Tuy nhiên, sự đa dạng sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới vẫn khiến Tao Wang thích thú. ‘‘Trong phòng học, bên cạnh bàn của tôi là một sinh viên Hy Lạp, bên cạnh anh ta là một sinh viên người Italy và sau đó là một sinh viên người Anh, một sinh viên người Rumani, một sinh viên người Pháp… Một số người bạn tốt của tôi đến từ Nigeria, Mexico và Thái Lan. Sự đa dạng của Manchester giúp tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều nền văn hóa trên thế giới’’, Tao Wang chia sẻ.

Trước những khó khăn tồn tại đối với sinh viên Trung Quốc, Đại học Manchester cho biết, họ đang làm tất cả những gì có thể để cải thiện sự an toàn của sinh viên quốc tế như điều động cảnh sát thường xuyên, thành lập một nhóm theo dõi khu vực sinh viên và các chiến dịch cụ thể tập trung vào sự an toàn của sinh viên quốc tế.

Đồng thời, đại diện Đại học Manchester cho rằng, sinh viên Anh và Trung Quốc có quan tâm đến nhau, nhưng có vẻ như họ không hòa nhập nhiều bởi vẫn còn tồn tại một rào cản văn hóa. Vì vậy, đại học Manchester cũng đang nghiên cứu để tìm cách khuyến khích sự hòa nhập lớn hơn giữa sinh viên hai nước.

(theo SCMP)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hut-du-hoc-sinh-trung-quoc-anh-chop-co-hoi-tro-thanh-nen-giao-duc-dat-hang-hang-dau-the-gioi-97411.html