Hút đầu tư rời Trung Quốc, Ấn Độ chi 23 tỷ USD

Muốn đón đầu làn sóng các công ty nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Ấn Độ mạnh tay đầu tư.

Mới đây, nguồn tin của Bloomberg cho biết,Ấn Độ đang có kế hoạch đưa ra các ưu đãi trị giá 1,68 nghìn tỷ Rupi (khoảng 23 tỷ USD) để thu hút các công ty muốn mở nhà máy sản xuất tại nước này.

Ấn Độ chuẩn bị tung gói hỗ trợ 23 tỉ USD thu hút doanh nghiệp nước ngoài rời Trung Quốc.

Ấn Độ chuẩn bị tung gói hỗ trợ 23 tỉ USD thu hút doanh nghiệp nước ngoài rời Trung Quốc.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cung cấp những ưu đãi cho các công ty liên quan đến sản xuất ôtô, pin năng lượng mặt trời và thép đặc biệt dùng cho các công ty thiết bị tiêu dùng.

Ngoài ra, các đơn vị ngành dệt may, chế biến thực phẩm và dược phẩm chuyên dụng cũng đang được xem xét đưa vào danh sách thuộc gói ưu đãi.

Chương trình này do cơ quan hoạch định chính sách của Ấn Độ vạch ra, kế thừa khuôn mẫu từ một kế hoạch được triển khai đầu năm nay nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, khoảng 20 công ty bao gồm Samsung Electronics, Foxconn và Wistron đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD để thành lập các nhà máy sản xuất điện thoại di động ở nước này, sau khi chính phủ Ấn Độ đề ra ưu đãi hỗ trợ một số tiền tương đương 4-6% doanh số gia tăng của họ trong 5 năm tới.

New Delhi đã và đang nỗ lực thu hút các khoản đầu tư để vực dậy một nền kinh tế đã trải qua đợt lao dốc tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn ở quý trước, khi GDP giảm 23,9%.

Thuế doanh nghiệp của Ấn Độ đã ở mức thấp nhất châu Á, trong khi các quy định về vỡ nợ đã được đại tu để cải thiện hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn. Nhưng những điều đó vẫn chưa đủ hấp dẫn để nước này trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Gói ưu đãi 23 tỷ USD là bước tiếp theo sau chương trình thu hút các công ty chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc do Ấn Độ tung ra đầu năm.

Ấn Độ đã tiến hành phát triển quỹ đất với tổng diện tích khoảng 461.589 ha, trong đó bao gồm 115.131 ha đất công nghiệp ở một số bang.

Không giống như Trung Quốc, việc mua đất ở Ấn Độ rất phức tạp với nhiều bên liên quan, chẳng hạn như nông dân và chủ sở hữu lô đất, quản trị viên, chính trị gia và chính quyền địa phương bên cạnh các nhóm hoạt động xã hội và môi trường trong trường hợp quyền sở hữu đất bị tranh chấp hoặc khu vực này là một phần của vành đai xanh.

Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng phải tuân thủ luật lao động và các quy định sử dụng đất nghiêm ngặt, điều này đã làm trì hoãn tiến độ thi hành các dự án.

Các phương tiện truyền thông tại nước này cho biết, Chính phủ sẽ cung cấp đất tại các khu vực bỏ không hoặc trong các khu kinh tế đặc biệt (SEZs) với cơ sở hạ tầng quan trọng cho các công ty nước ngoài.

Động thái này diễn ra ngay sau khi một số tin tức cho rằng gần 1.000 công ty nước ngoài đã đàm phán với chính quyền Ấn Độ để chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia này; ít nhất 300 trong số các công ty này đang tích cực thúc đẩy kế hoạch sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau.

Cho đến nay, các công ty từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan tâm đến việc chuyển cơ sở sản xuất sang Ấn Độ.

Cùng với việc cung cấp đất cho các công ty nước ngoài, Ấn Độ cũng đang xây dựng năng lực chuỗi cung ứng địa phương và cung cấp các động lực để thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm phát triển như một trung tâm sản xuất thay thế khả thi cho các công ty toàn cầu.

Ấn Độ đang tăng cường nỗ lực vì các nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - do chi phí tăng, các yếu tố rủi ro địa chính trị mới giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như tình hình suy thoái do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trước hệ sinh thái cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng tiên tiến của Trung Quốc, nếu Ấn Độ muốn tiến hành thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, họ buộc phải khẳng định mình bằng các ưu đãi rõ ràng, đặc biệt là về đất đai, thuế và lao động. Việc thay đổi nhận thức rằng, Ấn Độ là một nơi thuận lợi để kinh doanh, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố được giải quyết đồng thời - không chỉ là những lời hứa về sự sẵn có của đất đai.

Bằng cách phân bổ đất đai một các hợp lý, Ấn Độ sẽ giải quyết được một mối quan tâm lớn đối với các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào nước này. Trong quá khứ, các công ty như Saudi Aramco và Posco đã phải đối mặt với những khó khăn, hạn chế lớn xung quanh việc sở hữu đất ở Ấn Độ.

Nhằm tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn và lâu dài, Chính phủ Ấn Độ cũng đã khuyến khích các tiểu bang phát triển hệ sinh thái công nghiệp riêng, làm rõ các ưu đãi về thuế và nợ, qua đó hỗ trợ hết sức có thể cho các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào địa phương.

Không chỉ vậy, Chính phủ Ấn Độ cũng cam kết sẽ giảm thuế doanh nghiệp xuống mức thấp nhất có thể.

Những chính sách và kế hoạch của Ấn Độ đã được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao, với hy vọng nó sẽ trở thành "bàn đạp" cho nền kinh tế nước này sau đại dịch COVID-19.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/hut-dau-tu-roi-trung-quoc-an-do-chi-23-ty-usd-3418811/