Hương vị Tết cổ truyền

Với người Việt, Tết là ngày để sum họp, là ngày báo hiếu, là ngày khởi sự cho muôn vàn những điều tốt đẹp, sung túc và phát tài. Là ngày, mà dù ai đi xa, cũng nhớ để trở về nguồn cội, để tưới mát tâm hồn mình trong hương sắc tân niên rất đỗi linh thiêng của tết cổ truyền.

Các em nhỏ hào hứng, phấn khởi phụ giúp người lớn. (Ảnh: Duy Linh)

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn, quan trọng của người Việt Nam từ trước đến nay, hòa cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước phương Đông. Đây là khoảng thời gian được xem là sum vầy, ấm áp nhất của cả một năm. Với chừng ấy thời gian biến thiên, có nhiều nét đón xuân cổ truyền đã dần mai một. Nhưng hương vị tết xưa, hẳn vẫn luôn nằm sâu thẳm trong tâm khảm người Việt.

Gói bánh chưng là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam khi Tết đến, xuân về.

Người lớn, trẻ nhỏ háo hức bên nồi bánh chưng trong tiết trời mưa xuân.

Dựng cây nêu ngày Tết tại Đình làng So.

Cúng tất niên là một nét văn hóa cổ truyền mang nhiều ý nghĩa linh thiêng. Chiều 30 tết, mỗi gia đình bày biện mâm ngũ quả, mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà. Lễ vật dâng cúng ngày Tết thường là cặp bánh chưng xanh, mâm ngũ quả (tùy mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa); một lọ hoa tươi (hoặc một cành đào nhỏ); hộp bánh, chai rượu… Ngoài ra, còn có hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ, với ý nghĩa để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của năm.

Lễ giao thừa ở nhà xong, người dân kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầy phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ đầu năm.

Sau khi lễ bái, người dân ở phía bắc còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà với ngụ ý là lấy lộc của trời đất Phật Thần ban cho để lấy may, lấy phúc. Nhưng hiện nay, việc bẻ cây, hái lộc đã không còn. Thay vì thế, người ta mua cành vàng, lá ngọc, mua muối, bật lửa để mang về bàn thờ gia tiên, cầu mong một năm bình an, vạn sự may mắn.

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên. Người lớn cũng lì xì cho trẻ nhỏ với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.

Tục xin chữ đầu năm đã trở thành phong tục và nét văn hóa mỗi độ xuân về. Việc mang ý nghĩa này có ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước.
Ngày xưa thường xin chữ Nho, ngày nay có thêm cả chữ Quốc ngữ, với lợi thế thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Việc xin chữ đầu năm ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ Xuân về Tết đến.

THIÊN LAM - TUYẾT LOAN (Một số ảnh chụp sự kiện Tết Việt tại Đình làng So)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/35582902-huong-vi-tet-co-truyen.html