Hương vị ngàn năm

Mấy tháng nay có một nhà hàng kiểu thôn dã mở cửa đón khách gần khu tháp cổ Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Khách ghé vào, trước khi dùng bữa được nghe nhân viên giới thiệu từng món ăn và văn hóa ẩm thực Chăm ẩn chứa rất nhiều điều thú vị.

Một số bạn trẻ đã khởi nghiệp và chọn con đường khôi phục văn hóa từng tồn tại nơi đây hơn 1.000 năm trước. Vương quốc Chămpa và những di sản kiến trúc, điêu khắc còn đây, nhưng vẫn cần một đời sống văn hóa thể hiện qua những điệu múa, tục lệ, ẩm thực.

Dạo một vòng mới thấy người Chăm có rất nhiều loại bánh, làm chủ yếu để phục vụ trong lễ nghi tôn giáo, cưới hỏi. Nào là tapei anung (bánh tét), tapei bilik (bánh ít), tapei coh (bánh cuốn), rồi ginraong laya (bánh củ gừng), kadaor (giống bánh đúc). Các loại bánh này có mặt trong hầu hết các lễ lạt theo phong tục truyền thống Chăm.

Rồi có cả sakaya là loại bánh truyền thống chỉ dành chiêu đãi những vị khách quý, tu sĩ, người cao tuổi. Người Chăm có câu "bánh tét ở trên - bánh sakaya ở dưới". Cũng tại nhà hàng, nếu có thời gian thư thả, khách sẽ được nghe thêm về những nguyên tắc ẩm thực thật thú vị và mang đậm màu sắc tôn giáo. Ví dụ trong phép tắc ăn uống, những vị tu sĩ phải kiêng cữ gắt gao như không được ăn cá trê, thịt thú vật chết...

Tu sĩ Bà la môn không được ăn thịt bò, tu sĩ Bani kiêng ăn thịt heo, thịt dông và nhiều kiêng kỵ khác. Ngay cả người địa phương khi đến đây thưởng lãm bỗng hiểu ra ẩm thực người Quảng cũng có nhiều kế thừa, giao thoa với ẩm thực Chăm như các loại bánh tét, bánh ít và thấy như hiểu hơn về vùng đất họ đang sống.

Có thêm một chỗ thưởng thức ẩm thực như vậy, thấy chuyến đi đến với văn hóa Chăm khá tròn đầy cảm xúc, mới hiểu ẩm thực là thứ ngôn ngữ quan trọng, là những chỉ dấu văn hóa, kinh tế của từng thời kỳ, nên bây giờ ta mới có hẳn mảng du lịch ẩm thực.

Những bạn trẻ kia cũng hiểu và họ đã cố gắng khai thác cảm xúc đó. Với một vùng đất khắc khổ, với những nguyên tắc khá khắt khe, những món Chăm nhìn rất giản dị, song vẫn được thực khách chào đón. Và những người đưa ẩm thực vào phục vụ du khách ắt hẳn là những người không chỉ có tay nghề bếp núc, mà còn có tính cách ưa khám phá.

Còn nhớ cách nay ba năm, "vua bếp" Michel Roux đem đến Việt Nam những món ăn mang tinh thần Pháp được biến tấu cho những cái lưỡi nổi tiếng khó tính khắp thế giới. Rõ ràng, thành công nổi bật nhất của ông là kết quả của sự kết hợp tài hoa tinh tế thiên bẩm, sự am hiểu khoa học thực phẩm với tính cách ưa khám phá văn hóa không ngừng.

Tại lễ khai trương nhà hàng ở bán đảo Sơn Trà của Việt Nam thời điểm đó, Michel Roux phát biểu: "Tôi đến đây thấy mình như mới 20 tuổi". Có ai quan tâm đến câu nói đó không, hay nghĩ ông chỉ nói theo cách ngoại giao, nhưng ngẫm nghĩ một chút có thể cảm nhận hết những gì sâu sắc ẩn chứa trong câu nói tưởng chừng rất bình thường của "vua bếp".

Đầu bếp nổi tiếng 20 tuổi trong ngành ẩm thực rất ít, nhưng tính cách của họ là muốn tạo ngay những khác biệt, một điểm mà người lớn tuổi rất cân nhắc.

Chính vì vậy, ở những vùng phát triển du lịch, khi du khách không quá bảo thủ với những món ăn quen miệng, đã có rất nhiều đầu bếp trẻ tự mình tạo ra những dư vị ẩm thực khác nhau, như trường hợp chuỗi cửa hàng "Mì Quảng ếch" ở Đà Nẵng, với sự tham gia quảng bá của khá nhiều ngôi sao trong giới nghệ sĩ.

Mặc dù dân bản địa không mấy tán thành, nhưng những biến tấu dựa trên nguyên tắc cơ bản vẫn đang được nghiên cứu, thử nghiệm và bắt đầu thu hút khách du lịch. Ẩm thực là sự giao lưu và tiếp nối. Những người trẻ đã đẩy nhanh tiến trình giao lưu này khi đưa ẩm thực trở thành một mảng quan trọng trong phát triển du lịch.

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/loi-song/huong-vi-ngan-nam-1087266.html