Hướng về sự bình yên, hạnh phúc

Lần đầu tiên Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 được tổ chức tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Từ sáng sớm, hàng vạn người đổ về đây, gương mặt ai cũng thể hiện rõ sự hoan hỉ. Ngay từ cổng vào, phật tử đã được các tổ thiện nguyên đón tiếp nồng hậu và tận tình hướng dẫn vào dự đại lễ.

Ông Nguyễn Xuân Nhâm.

Ông Nguyễn Xuân Nhâm.

Với tâm thế của một Phật tử tham dự Đại lễ Vesak lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Nhâm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Là một Phật tử, một người dân, tôi rất vui mừng Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã quan tâm đến sự kiện tổ chức Vesak lần thứ 3 tại Việt Nam, ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 2600 năm. Hòa mình trong Đại lễ Vesak, chúng tôi thấy yêu quê hơn, yêu tổ quốc mình hơn.

Và tôi thấy vô cùng sung sướng khi thời bình, đất nước Việt Nam có thêm nơi chốn để chúng tôi được tu tập, học tập được đức hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức hạnh của Đức Phật dạy chúng ta không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh và đạo hiếu luôn luôn gắn liền. Và đặc biệt đạo Phật không phân biệt giai cấp, tôi rất thích điều đó. Đạo Phật luôn luôn hướng tới vạn sự bình an cho mọi gia đình được hạnh phúc. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo của giác ngộ để giải thoát ngay trên trần tục. Tôi quan niệm giải thoát là không còn khổ đau, không còn tham sân si, buông xả để mọi người được bình an.

Hoa hậu Lê Thị Tuyết Nhung.

Là một con xa quê hương, Hoa hậu Lê Thị Tuyết Nhung, Hoa hậu nhân ái Quốc tế 2018 Việt Nam – Korea nói: Thật sự tôi rất vinh dự vì được đại diện là một trong 9.000 cô dâu đang sinh sống tại Hàn Quốc tham dự Đại lễ Vesak 2019. Tôi về hợp tác và làm việc tại Việt Nam và được vinh dự mời tham dự đại lễ. Với một người con xa xứ 12 năm, cảm xúc của ngày hôm nay tới đây, ấn tượng với tôi là chùa Tam Chúc là một quần thể vô cùng đẹp, mà đây lại là quê nội của tôi. Tôi vô cùng xúc động vì thấy quê hương ngày càng phát triển. Tôi nghĩ rằng, những người con xa xứ như chúng tôi nên hướng về quê hương, đất nước, tổ tiên nhiều hơn nữa.

Đến dự Đại lễ Vesak, tôi thấy quê hương Hà Nam có rất nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển. Qua đây tôi cũng muốn truyền tải tới tất cả kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới hãy hướng về quê hương và làm cho quê hương đẹp hơn, để chúng ta tự hào hơn về quê hương Việt Nam. Còn dự định trong tương lai, về dự Đại lễ Vesak 2019 với phong cảnh sơn thủy, hữu tình khiến tôi nảy ra ý tưởng sẽ làm những dự án liên quan tới sự bảo tồn và gìn giữ văn hóa Việt Nam. Làm thế nào để có thể bảo vệ được những di sản mà cha ông để lại, bởi đó là những giá trị cần được bảo tồn và phát huy, đây là ước nguyện và mong muốn của tôi.

Phật tử Diệu Hỷ - Nguyễn Thị Hạnh.

Với cách nhìn của một người trẻ, phật tử Diệu Hỷ - Nguyễn Thị Hạnh, sinh sống tại Hà Nội chia sẻ tại Đại lễ: Với mỗi người con Phật tử đều phải có tấm lòng, thứ nhất là có được tấm lòng từ bi, phát tâm bồ đề. Không phải những người xuất gia, mà những người tu tại gia cũng đều phải có tâm từ bi hỷ xả mới đúng. Không có sự phân biệt giữa các vị xuất gia hay các vị khất sĩ. Các vị cư sĩ có thể tu tại nhà, các vị xuất gia thì tu tại chùa, nhưng đều có mục đích là hướng tới điều tốt đẹp nhất, đó là cách sống thiện lành.

Giáo lý của Phật giáo dạy “Tâm bình thường thì là đạo”, mỗi một người sống bình thường nhưng tâm thiện thì đã là đạo. Là Phật tử phải hiểu về đạo để hành đạo cho đúng.

Hải Nhi – Tiến Đạt (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-giao/huong-ve-su-binh-yen-hanh-phuc-tintuc436652