Hướng về phụ nữ biên cương

Là tỉnh duy nhất thực hiện chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020' theo phương thức 'Tự giúp' không có sự đồng hành của tỉnh khác, nhưng chương trình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại (huyện Bình Liêu) ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đời sống và thu nhập của người dân ngày một ổn định hơn.

Hội LHPN tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Hữu Việt

Hội LHPN tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Hữu Việt

Chương trình do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai. Năm 2018 căn cứ các chỉ tiêu kế hoạch đề ra 2 đơn vị đã cam kết hỗ trợ nguồn lực thực hiện từ Hội LHPN các địa phương, các đồn biên phòng và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm với tổng số tiền cam kết thực hiện giai đoạn 2018-2020 là 360 triệu đồng.

Đối với Hội LHPN tỉnh việc cam kết thực hiện nguồn lực hỗ trợ chương trình được coi là một trong các tiêu chí chấm điểm thi đua hàng năm của các đơn vị. Hàng năm, 2 đơn vị cũng tiếp tục công tác tuyên truyền vận động các nguồn xã hội hóa để triển khai các nội dung chương trình.

Với cam kết hỗ trợ bằng hình thức vận động xã hội hóa, 2 đơn vị đã triển khai thực hiện các hoạt động bám vào mục tiêu, chỉ tiêu tổng thể của giai đoạn 2018-2020 với kết quả các chỉ tiêu hàng năm đề ra đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Đặc biệt, ngoài cam kết thực hiện theo nguồn lực hỗ trợ ban đầu, đã có rất nhiều hoạt động khác được triển khai thêm và mang nhiều ý nghĩa thiết thực đối với các gia đình hội viên phụ nữ và nhân dân tại 2 xã thực hiện chương trình với tổng số tiền lên tới 1,7 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động của các chiến sĩ BĐBP tỉnh.

Trong 3 năm, 2 đơn vị đã hỗ trợ các hộ gia đình xây mới 17 nhà an toàn và sửa chữa 3 nhà với số tiền 610 triệu đồng, vượt 7 nhà so với dự kiến kế hoạch ban đầu đề ra. Các gia đình được hỗ trợ xây nhà, ngoài số tiền được nhận hỗ trợ, còn được ủng hộ ngày công làm nhà, vận chuyển nguyên vật liệu, đồ dùng vật dụng sinh hoạt khi khánh thành nhà mới. Các ngôi nhà mới đảm bảo yếu tố “3 cứng” và đều có công trình phụ kèm theo, trong đó đảm bảo 100% có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh khánh thành và bàn giao nhà cho chị Chìu Nhì Múi, thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu).

Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà an toàn, phụ nữ nghèo tại 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại còn được hỗ trợ 2 loại mô hình sinh kế là nuôi lợn và gà thương phẩm. Trong đó có 37 hộ được hỗ trợ vốn, con giống để nuôi gà thương phẩm, 10 hộ tham gia mô hình nuôi lợn từ nguồn hỗ trợ trực tiếp của chương trình; 1 hộ triển khai từ nguồn 135 của huyện và 1 hộ thực hiện từ nguồn vay vốn ủy thác của Hội và 3 hộ từ nguồn hỗ trợ sinh kế cùng với hỗ trợ xây nhà an toàn. Nhờ đó mà đến nay nhiều hộ đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Lý Lộc Múi (thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại) có cuộc sống bấp bênh vì chỉ trông vào mấy sào ruộng. Mặc dù có diện tích đất rộng để canh tác, nhưng lại không có nguồn kinh phí đầu tư nên quanh năm suốt tháng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi. Năm 2018, chị Múi được hỗ trợ từ chương trình với 100 con gà giống thương phẩm. Sau một thời gian chăm sóc, số gà này đã giúp chị có thu nhập ổn định với giá bán 130.000-160.000 đồng/kg, đời sống kinh tế gia đình chị ngày càng cải thiện rõ rệt.

Sau 3 năm thực hiện chương trình, tại 2 xã đã có 14 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo, trong đó có 6 hộ có đơn xin thoát nghèo không cần rà soát vào cuối năm. So với đầu năm 2018, diện mạo 2 xã đã thay đổi đáng kể, công tác vệ sinh môi trường được thay đổi căn bản.

Một số hộ khi xây nhà mới đã có phương án xây cả nhà vệ sinh, nhà tắm trong nhà. Các hộ cũng tự tin mạnh dạn nhận nguồn hỗ trợ để làm mô hình kinh tế, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để đạt hiệu quả cao.

Có thể nói đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại hiệu quả tích cực cho phụ nữ nghèo. Thông qua chương trình nhiều chị em phụ nữ đã thay đổi nhận thức, giảm bớt sự mặc cảm, tự ti, mạnh dạn tham gia các hoạt động cộng đồng.

Nhờ chương trình, cuối năm 2019 cả 2 xã đều thoát khỏi diện 135, hiện 2 xã đang thực hiện các chỉ tiêu để về đích nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo xã Lục Hồn giảm từ 24% xuống còn 8%; tỷ lệ số hộ có nhà tiêu và nhà tắm hợp vệ sinh là 77,6%, tăng 47,6% so với thời điểm trước khi thực hiện chương trình. Đối với xã Vô Ngại: Tỷ lệ hồ nghèo giảm từ 30% xuống còn 6,61%; tổng số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt 83,1,5%, tăng 70% so với thời điểm trước khi thực hiện chương trình.

Đàm Vân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/huong-ve-phu-nu-bien-cuong-2510055/