Hướng về nguồn cội

Đã thành nếp, cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, những người con ở mọi miền đất nước lại tề tựu về đất Tổ. Với những ai không về được đất Tổ, thì về với gia đình, dòng họ để thắp nén hương thơm, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Gắn kết và sẻ chia

Hòa thượng Thích Long Văn (tên thật là Võ Quang Trung, 86 tuổi), ở chùa Bửu Phương, thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) chia sẻ: “Tôi là con cháu đời thứ 12 của dòng họ Võ, được ông bà cho giữ và ghi chép về gia phả. Trong dòng họ, nhiều đời có người làm quan triều đình, người làm cách mạng. Bây giờ, con cháu sinh sống ở nhiều nơi, nên từ năm 2004 đến nay, gia đình, dòng họ đã thống nhất lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Mùng 10 tháng 3, làm ngày đoàn tụ sum họp dòng họ.

Cứ đến ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3, Hòa thượng Thích Long Văn (Võ Quang Trung) ở chùa Bửu Phương, thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) lại giở gia phả để nói rõ về dòng họ với con cháu.

Trong ngày Giỗ Tổ, con cháu trong dòng họ được nghe kể về công đức của tiền nhân, nêu gương con cháu đã làm được những việc tốt cho bản thân, dòng họ và điểm lại những việc chưa làm được để cùng nhau cố gắng. Bà Nguyễn Thị Huy, con dâu đời thứ 11 của dòng họ Võ, ở xã Nghĩa Mỹ bộc bạch: Kể từ ngày chồng mất, tôi lên Kon Tum để mưu sinh, nhưng đến ngày mùng 10 tháng 3 là trở về lo cúng tổ tiên, sum họp cùng dòng họ.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành nét đẹp văn hóa cố kết cộng đồng, dòng họ người Việt. Tại xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), nhiều dòng họ cũng đã xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ người lập làng và những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập trên quê hương. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 10 nhà thờ xây dựng dòng họ riêng. Ông Huỳnh Trần Liêm - Trưởng nhà thờ họ Huỳnh Trần, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường cho hay: Dòng họ Huỳnh Trần nhiều đời có công đóng góp xây dựng quê hương. Để có nơi cho con cháu tề tựu, tưởng nhớ công lao tổ tiên, năm 2020, con cháu dòng họ đóng góp 800 triệu đồng để xây dựng nhà thờ. Trong ngày sum họp dòng họ, không chỉ ôn lại truyền thống họ tộc, mà còn chia sẻ những khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học giúp đỡ nhiều con cháu học hành thành đạt”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Trần Thị Kim Nhung cho biết: Là người Việt, ai cũng muốn trở về với cội nguồn, nhất là trong ngày Giỗ Tổ. Vì ở xa đất Tổ, nên việc xây dựng nhà thờ dòng họ không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa, tưởng nhớ nguồn cội, mà còn gắn kết dòng họ để chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội đồng họ Bùi Việt Nam, Trưởng Ban họ tộc Bùi ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), TS.Bùi Phụ Anh bày tỏ: Giỗ Tổ Hùng Vương- Ngày lễ lớn của dân tộc nhằm tri ân công đức của các vua Hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngày Giỗ Tổ là một sự kiện trọng đại của dân tộc, của tất cả các dòng tộc. Đây là dịp để giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước lừng lẫy của cha, ông; giáo dục về niềm tự hào và bản sắc văn hóa của dân tộc; là dịp để phát huy lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, một truyền thống quý báu và vô cùng tốt đẹp của người Việt Nam.

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Như một nét đẹp văn hóa truyền thống, trong mâm cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thường có bánh chưng, bánh giầy. Xuất phát từ sự tích về câu chuyện của hoàng tử thứ 18 của Vua Hùng, tên là Tiết Liêu nằm mơ thấy có vị Thần đến báo mộng: “...con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”. Sự tích bánh chưng, bánh giầy như đã thấm sau trong lòng mỗi người con đất Việt. Cứ mỗi dịp đến ngày Giỗ Tổ, cũng là thời điểm giữa tháng ba - thời khắc đẹp nhất trong năm, khi đất trời giao hòa tạo nên những hạt nếp thơm, những người mẹ, người chị đã cất công làm nên những chiếc bánh chưng, bánh giầy mang đậm hương vị miền quê để dâng lên tổ tiên. Tuy nhiên, theo tiến trình về phương Nam, người miền Trung đã biến hóa bánh chưng, bánh giầy thành bánh tét, bánh ít trắng trong mâm cúng ngày giỗ tổ tiên.

Bà Nguyễn Thị Huy, ở thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cho hay: Ngày Giỗ Tổ, trong mâm cúng tổ tiên có thể thiếu nhiều món, nhưng bánh tét, bánh ít thì không bao giờ thiếu. Sau khi cúng tổ tiên, con cháu thưởng thức những món mặn là ăn đến món bánh tét, bánh ít sau cùng như ngầm gửi đến con cháu mãi tưởng nhớ đến nguồn cội, giữ trọn chữ hiếu của người con với cha mẹ, ông bà”.

Bài, ảnh: ÁNH NGUYỆT

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202105/huong-ve-nguon-coi-3054803/