Hướng về miền Trung

Từ ngày 7-10 đến nay, người dân dọc dải đất miền Trung phải oằn mình chống chọi với cơn lũ dữ. Có những nơi lũ vượt mốc lịch sử năm 1983 (Quảng Trị), vượt mốc lịch sử năm 1999 (Thừa Thiên - Huế). Theo thống kê mới nhất của các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, đợt lũ đã nhấn chìm hơn 109.000 ngôi nhà của người dân, nhiều nơi trở thành ốc đảo, cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Tại vùng “rốn lũ” xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), trong ngày 9-10, lúc lũ từ thượng nguồn đổ về dồn dập, chính quyền xã dùng ghe đi hỗ trợ bà con, nhưng do sóng dữ, nhiều lần ghe suýt lật, đành quay về trong sự lo lắng, bất an. Qua trao đổi với bà con thì được biết, với kinh nghiệm bao năm sống chung với lũ, bà con đã chủ động từ trước, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men có thể chống chọi trong vòng 5 ngày. Nhờ móng nhà được xây cao và có thêm cái gác lửng, nên mọi vật dụng, lúa gạo của bà con không bị ngập nước, cuốn trôi.

Còn nhớ trận lũ lịch sử xảy ra năm 2010, bà con ở vùng “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi lũ dâng cao đến 12m, hơn 300 ngôi nhà của bà con chỉ còn thấy nóc. Tài sản, lương thực, gia súc, gia cầm đều bị dòng lũ dữ cuốn phăng ra biển. Phải mất nhiều tháng sau đó với sự chung tay giúp đỡ của đồng bào cả nước, người dân Tân Hóa mới trở lại cuộc sống bình thường. Từ trong tang thương, mất mát, người dân Tân Hóa đã nghĩ ra cách để đối mặt với thiên nhiên hung dữ: Làm nhà phao để sinh sống. Lũ lên thì nhà nổi, lũ xuống thì nhà xuống theo. Chính vì vậy, trong trận lũ mấy ngày qua, người dân Tân Hóa đều được an toàn, tài sản được đảm bảo.

Dẫu biết rằng, người miền Trung có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến để an toàn trước những trận “đại hồng thủy” hay những trận cuồng phong bão tố, nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện để xây nhà kiên cố, vững chãi. Trong đợt lũ dữ này, đã có hơn 33.000 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại nặng; trên 58.000 con gia cầm, gia súc, là tài sản của người dân nghèo, đã bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng 17 người, 13 người bị mất tích. Thật đau đớn khi chứng kiến cảnh nhiều nơi bị ngập sâu, kéo dài nên quan tài người chết đành cột dây treo lên trần nhà chờ lũ xuống để đưa đi chôn cất.

Trong khi đợt lũ cũ chưa qua thì người dân miền Trung lại còng mình hứng cơn bão số 6. Trong những ngày này, cả nước hướng về miền Trung. Trước thiên tai liên tiếp ập đến, hơn lúc nào hết người miền Trung đang rất cần sự sẻ chia, động viên để vượt qua hoạn nạn, kiên cường trước dòng lũ dữ; rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, sự ủng hộ của những tổ chức từ thiện hay các tấm lòng thơm thảo.

Bên cạnh đó, để không còn tình cảnh nhà cửa người dân bị cuốn trôi xuống sông, làng mạc bị nhấn chìm trong biển nước mỗi khi lũ về cũng rất cần sự ra tay quyết liệt của các địa phương, các ngành chức năng trong việc ngăn chặn nạn khai thác cát lậu, phá rừng đầu nguồn; các nhà máy thủy điện phải biết đặt tính mạng, tài sản của người dân lên hàng đầu, để không còn cảnh người dân nửa đêm phải dắt díu nhau chạy lũ vì thủy điện xả nước.

NGUYỄN HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/huong-ve-mien-trung-690721.html