Hương ước, quy ước với những 'điều răn' tiến bộ

Hương ước, quy ước, hiểu theo nghĩa chung nhất, là những quy phạm xã hội chứa đựng các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, tự nguyện đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần duy trì trật tự trong cộng đồng dân cư.

Hiện nay, hương ước vẫn được duy trì tại nhiều nước, nhất là ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Từ nhiều thế kỷ qua, hương ước, quy ước có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là ở địa bàn nông thôn Việt Nam. Dưới góc độ văn hóa, hương ước, quy ước thể hiện giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, cộng đồng và tinh thần tương trợ, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, hương ước, quy ước điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh trong đời sống tự quản cộng đồng do chưa có quy định của pháp luật hoặc pháp luật chưa cụ thể, chưa cần thiết phải can thiệp bằng pháp luật.

Cam kết thực hiện đám cưới theo nếp sống mới được nhiều địa phương đưa vào hương ước.

Dưới góc độ thực hiện dân chủ cơ sở, hương ước, quy ước là một trong những nội dung, hình thức mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong việc tham gia quản lý Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước. Nhiều xã, phường của Hà Nội đã xây dựng nhiều bản quy ước tiến bộ, góp phần cùng chính quyền địa phương ổn định, giữ gìn an ninh, trật tự.

Có thể kể đến một ví dụ điển hình là quy ước của tổ dân phố Hoàng 19, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bản Quy ước của tổ dân phố này được tổ trưởng dân phố phát đến từng nhà và yêu cầu các gia đình giữ gìn cẩn thận, nhắc nhở nhau cùng thực hiện.

Hướng đến việc xây dựng gia đình văn hóa, bản Quy ước quy định: Vợ chồng sống chung thủy, bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi công việc, có trách nhiệm nuôi dạy con cái, tạo điều kiện cho con cái phát triển cả về mặt thể lực, trí lực, chịu trách nhiệm đối với hành vi của con khi con chưa đến tuổi thành niên; ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội; Con cháu thì phải hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

Bản quy ước còn chú trọng đến phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao với quy định các hộ gia đình phải tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình được xem các buổi diễn văn nghệ, diễn đàn, đọc sách báo, nghe đài phát thanh, theo dõi truyền hình cũng như tham gia sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi của mình nhằm rèn luyện sức khỏe. Tổ dân phố còn đề ra mục tiêu tổ chức các cuộc vui chơi, giải trí, thi văn hóa, văn nghệ, thể thao theo thực tế vào mỗi dịp đầu xuân hàng năm và tùy vào điều kiện từng năm, đồng thời khuyến khích mọi người trong tổ dân phố tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các cuộc thi đấu thể dục thể thao các cấp.

Quy ước của tổ dân phố Hoàng 19 còn nhắc tới những điều về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; chẳng hạn, đám cưới không sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn quá lớn gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, làm việc và giờ nghỉ ngơi của các cá nhân, tổ chức, gia đình xung quanh và trật tự công cộng. Còn trong đám tang thì hạn chế sử dụng vàng mã gây lãng phí tiền của, tuyệt đối không rải tiền, vàng mã, ngoại tệ khi đưa tang.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huong-uoc-quy-uoc-voi-nhung-dieu-ran-tien-bo-122889.html