Hương ước biến các quy định chung của nhà nước thành các quy định cụ thể của làng

Hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư thông qua Hương ước đã biến các quy định chung của nhà nước thành các quy định cụ thể của làng .

Sự quản lý nhà nước dù cụ thể đến mấy cũng không thể nào bao quát được tất cả các đặc thù của cộng đồng dân cư ở cơ sở, đặc biệt là các cộng đồng dân cư cổ truyền với các đặc điểm riêng của mình. Vậy nên mỗi một cộng đồng dân cư cụ thể luôn cần đến các quy định cụ thể gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện cho mọi thành viên trong cộng đồng cơ sở. Hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư ở làng xã nó phản ánh được nhu cầu tổ chức và phát triển của mỗi làng xã cụ thể. Vậy:

Hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư thông qua Hương ước đã biến các quy định chung của nhà nước thành các quy định cụ thể của làng .

Hoạt động tự quản đơn giản hóa các quy định của nhà nước làm cho sự quản lý của nhà nước trở nên gần gũi, thâm nhập vào hệ tư tưởng đời sống của mỗi một người dân, làm cho các quy định của nhà nước trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng. Qua hoạt động tự quản thì sự quản lý của nhà nước thấm sâu vào cộng đồng dân cư rất nhanh mà không ồn ào tốn kém.

Hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư thông qua Hương ước đã biến cái khô cứng có tính nguyên tắc lạnh lùng của pháp luật nhà nước thành cái uyển chuyển, linh động và biến hóa dung dị. Đặc biệt, khi hoạt động tự quản phát huy thì nó sẽ bổ khuyết các lỗ hổng của nhà nước trong các mối quan hệ cụ thể của cộng đồng dân cư bởi nó là thực tế sống động của cuộc sống luôn có nhu cầu phát triển; phát sinh những vấn đề mà nhà nước chưa đặt ra hoặc đặt ra rồi nhưng chưa triển khai cụ thể và giải quyết thấu đáo.

Ảnh minh họa

Hoạt động tự quản diễn ra trong khuôn khổ quy định của nhà nước: Hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư sở dĩ có hiệu lực điều chỉnh, tác động sâu sắc đến những người dân cơ sở vì ngoài sự phù hợp của phương thức này đưa lại với người dân như sự phù hợp về phong tục, tâm lý, lối sống thì hoạt động tự quản luôn đảm bảo được những khuôn khổ các quy định của nhà nước buộc tính tập trung xuất hiện trong hoạt động này. Ta thấy xuất hiện các hình thức chế tài, xử phạt trong Hương ước và thực chất thì nó là sự cụ thể hóa phạm vi, mức độ trong mối quan hệ với luật nước và được chính quyền nhà nước chấp nhận bảo trợ. Vậy, đằng sau hoạt động tự quản là sự quản lý của nhà nước làm cho đời sống của người dân yên tâm hơn, tự tin hơn và mặt khác nó cũng có tính cưỡng chế đối với những sai phạm để có tính hướng đích.

Hoạt động tự quản không chỉ bị quy định bởi sự quản lý của nhà nước mà về phần mình hoạt động tự quản chi phối mạnh mẽ đến sự quản lý của nhà nước. Sự quản lý của nhà nước muốn phát huy tốt thì phải xử lý mối quan hệ giữa lợi ích nhà nước và lợi ích cộng đồng dân cư. Con tàu nhà nước sẽ đi đến đâu nếu không có ai lên tàu? Vậy lợi ích của cộng đồng dân cư cũng chính là lợi ích của nhà nước. Vậy nên để để sự quản lý của nhà nước thẩm thấu vào đời sống của cộng đồng dân cư ở cơ sở thì ắt hẳn phải phát huy những hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở để khơi dậy những lợi ích thiết thân của người dân. Bởi một lẽ khác cộng đồng dân cư cũng chính là đời sống thực tiễn; văn hóa truyền thống, đạo lý của dân tộc; sự quản lý của nhà nước là sự quản lý văn minh đều phải xuất phát trên cái nền này và không nằm ngoài bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên hoạt động tự quản và sự quản lý của nhà nước không chỉ tác động lẫn nhau mà còn mâu thuẫn với nhau.

Sự quản lý của nhà nước khẳng định sự cai trị từ trên xuống, tập trung thống nhất và muốn hạn chế hoạt động tự quản của cộng đồng. Ngược lại hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở lại có xu hướng xác lập và củng cố quyền tự quyết, tự làm của mình. Mặt khác sự quản lý của nhà nước mang tính chất vĩ mô toàn quốc gia.

Ngược lại hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở lại mang tính vi mô; thậm chí khép kín bởi sự phù hợp với đặc trưng của từng cộng đồng dân cư. Mâu thuẫn giữa hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư với sự quản lý của nhà nước còn được biểu hiện ở phương diện thực thi pháp luật. Có những vướng mắc đặt ra có khi là luật nước không phù hợp với tình hình địa phương; có chỗ hoạt động tự quản có những quy định trái với luật nước. Vấn đề không phải thắng hay thua giữa 2 đối tượng mà vấn đề là sẽ tạo những bất cập cho sự phù hợp với lợi ích của người dân.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huong-uoc-bien-cac-quy-dinh-chung-cua-nha-nuoc-thanh-cac-quy-dinh-cu-the-cua-lang-122009.html