Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em 2019: 'Tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em nói'

'Tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em nói' - đó là thông điệp được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019. Đó cũng là lời nhắn nhủ đến xã hội, đến các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Đó cũng là mong muốn chính đáng của mọi trẻ em.

Chung tay vì trẻ em

Đã thành thông lệ, cứ vào tháng 6 hàng năm, Tháng hành động vì trẻ em lại được phát động rộng rãi trong cả nước nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tuyên truyền phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Năm 2019 là năm thứ 30 kể từ năm Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 Việt Nam tổ chức Thành hành động vì trẻ em. Với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ tập trung truyền tải những nội dung thông điệp ý nghĩa như: Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt được nhiều thành quả, đảm bảo các quyền của trẻ em và hội nhập với quốc tế. Trẻ em được phát triển toàn diện, được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em. Đó là vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em. Đặc biệt là vẫn còn khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em.

Hiện cả nước còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Hơn 50% số trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em nghèo. Trong đó tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí (65,9%), sức khỏe (45,3%) và nước sạch 36,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, cao nhất là vùng Tây Nguyên (34,9%), Trung du và miền núi phía Bắc (30,7%). Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em còn thấp, đặc biệt là trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Mới có 58,5% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể thao.

Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong giai đoạn 2017-2018 có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trung bình mỗi năm vẫn còn hơn 4.000 em bị tử vong do tai nạn thương tích, 2.000 em bị tử vong do đuối nước…

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 của TP Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 của TP Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng

Trẻ em là đối tác tiến bộ

“Việt Nam đang phát triển, đất nước còn nghèo, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn nhiều trẻ em thấp còi, chưa được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục như các bạn ở vùng đồng bằng. Trong hơn 26 triệu trẻ em, còn nhiều em bị bỏ rơi (do lỗi lầm của người lớn), nhiều em bị suy dinh dưỡng, không ít trẻ em bị bạo hành, bóc lột sức lao động, cả về tình dục. Còn không ít trẻ em bị thương do tai nạn, thậm chí bị chết do đuối nước”. “Tháng hành động để nhắc nhở chúng ta cần chú ý vấn đề này cũng như những công việc cần thực hiện trong cả 12 tháng với 365 ngày trong năm”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, lâu nay, cách giáo dục của người Á Đông vẫn là “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nghĩa bóng là phải nghiêm khắc uốn nắn trẻ em. Tuy nhiên, xã hội ngày càng văn minh, câu đó cần được hiểu cho đúng với thời đại. “Chúng ta cần nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, tình thương nhưng cách thể hiện không phải bằng roi, vọt hay những câu nói, thái độ gây tổn thương cho trẻ em. Thay vào đó, hãy lắng nghe trẻ em, cùng trao đổi với các em, cùng tìm ra cách giải quyết các vấn đề. Điều này rất quan trọng với các bậc cha mẹ, giáo viên”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, làm theo người lớn. Hãy coi trẻ em cũng là đối tác tiến bộ, cần tôn trọng trẻ em.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Việc quan trọng là phải thực hiện thật tốt Luật Trẻ em, trong đó quy định rất đầy đủ các quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội.
Chúng ta phải làm cho mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình. Những tổ chức, cá nhân được quy định trong luật phải được ràng buộc trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền, luật pháp. Các hành vi vi phạm về quyền trẻ em phải bị xử lý nghiêm”.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-ung-thang-hanh-dong-vi-tre-em-2019-ton-trong-tre-em-lang-nghe-tre-em-noi-150316.html