Hương trầm 'xứ trầm hương'

Mặc dù, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh giátrị đích thực của trầm hương và hương trầm có tác dụng đặc biệt tích cực với sức khoẻcon người.

Từ ngàn xưa, người dân giới thượng lưu ở các nước châu Á đã sử dụng trầm hương, hương trầm trong đời sống tâm linh và sức khỏe như một loại sản vật quý hiếm... Và, Khánh Hòa - mệnh danh “Xứ trầm hương” nghiễm nhiên trở thành nơi cuốn hút nhiều thương lái, nhà đầu tư, du khách trong, ngoài nước...

Từ ngàn xưa, người dân giới thượng lưu ở các nước châu Á đã sử dụng trầm hương, hương trầm trong đời sống tâm linh và sức khỏe như một loại sản vật quý hiếm... Và, Khánh Hòa - mệnh danh “Xứ trầm hương” nghiễm nhiên trở thành nơi cuốn hút nhiều thương lái, nhà đầu tư, du khách trong, ngoài nước...

Xứ trầm và nghề đi Điệu

Có thể nói, thiên nhiên đã ưu ái đặc biệt cho vùng đất Khánh Hòa - xứ sở mà người ta thường gọi “rừng trầm, biển yến”. Từ thuở bé, khi còn chưa hình dung ra trầm kỳ là gì, tôi đã biết đến cụm từ Người đi Điệu - những người đi tìm trầm hương, kỳ nam nơi rừng thiêng nước độc. Dân gian thường gọi “người ngậm ngãi tìm trầm”. Tôi nhìn thấy họ và biết về họ với vô số những câu chuyện huyền bí như: nghề nguy hiểm, cực khổ vậy, nhưng thứ họ mang về là trầm, kỳ có giá trị lên tới tiền tỷ, có thể đổi đời cho cả đại gia đình.

Người đi Điệu thường đi thành từng tốp từ 3 đến 7 người, với rất nhiều vật dụng, lương thực, thực phẩm, cho 10 ngày đến cả tháng. Và trong số họ, đã có không ít người mãi mãi ở lại với rừng thiêng...

Họ có những quy định nghiêm ngặt khi vào rừng, đặc biệt là trong sử dụng từ ngữ khi giao tiếp (gạo gọi là mễ, đi thất bại không kiếm được gì gọi là sót trắng, muối gọi diêm, té ngã là nhiễu, đau bệnh là xe, chết gọi chẩu, nấu nướng gọi hong, ăn gọi là sóc, đi lạc gọi lục xín, con cọp gọi ông rằn ri hay ông thủy quân lục chiến, con rắn gọi ông râu dài, con gấu gọi hiệp sĩ áo đen, con voi gọi ông lớn, con heo rừng gọi ông nhũi,...). Điều huyền bí hơn, nếu ai trong số họ, không tuân thủ những quy định trên, đều gặp nạn, hoặc mất tích kỳ lạ ngay sau đó,...

Thế nhưng, lực hấp dẫn của giá trị tài nguyên trầm kỳ và tiềm năng tiềm ẩn của nó đã cuốn hút hàng trăm người Khánh Hòa và nhiều địa phương lân cận theo nghề đi Điệu. Đặc biệt, từ đầu những năm 1980, nghề đi Điệu ngày càng rầm rộ, phát triển mạnh, phần lớn là người dân ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa. Nhiều gia đình làm nghề qua nhiều thế hệ “cha truyền con nối”. Mặc dù, lúc đó trầm, kỳ đã thuộc là hàng cấm kinh doanh trên thị trường, nhưng sản lượng lớn trầm hương, kỳ nam do người đi Điệu mang về, luôn có sẵn nhiều thương lái trong, ngoài nước săn đón, tiêu thụ...

Cùng chung sức bảo vệ thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”. Ảnh: Khánh Dương

Ma trận hương trầm

Kể từ khi vịnh Nha Trang được công nhận một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, ngành du lịch “Xứ trầm hương” phát triển, cũng là lúc giá trị trầm hương, kỳ nam được tôn vinh đỉnh điểm trên quê hương xứ sở của nó và trở thành một trong những đặc sản du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, Giám đốc công ty TNHH Trầm Hương, một trong những người được gọi là “lão làng” của nghề - ông đã nhiều lần vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen về thành tích xuất sắc tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP); sản phẩm của công ty ông cũng đã được Bộ Công Thương tôn vinh và cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017.

“Tôi xuất thân từ gia đình hành nghề đi Điệu. Vì vậy, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với trầm hương, kỳ nam từ núi rừng Khánh Hòa mang về hơn 35 năm qua. Tình yêu, niềm tự hào của gia đình tôi dành cho nguồn tài nguyên trầm kỳ Khánh Hòa không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, khi gia đình tôi chính thức bước vào kinh doanh thành phẩm (2013), đầu tư, chế tác hàng trăm sản phẩm phục vụ người tiêu dùng và du khách, cũng là lúc cơ chế kinh tế thị trường mở cửa.

Thú thật, hiện nay, chúng tôi không đủ sức cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng tôi không chỉ lực bất tòng tâm mà gần như lực bất khả kháng. Với thị trường trầm hương Khánh Hòa hiện nay, tôi dám khẳng định, người tiêu dùng dù có thông minh đến mấy cũng khó tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi lẽ, mặc dù chúng ta đã có Luật cạnh tranh, nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Mặt khác, nhiều người kinh doanh không phải người con xứ sở, họ chỉ biết đặt lợi nhuận lên hàng đầu, không đặt tình yêu và tinh thần bảo vệ, bảo tồn hương trầm của “Xứ trầm hương” lên hàng đầu. Ngay tại thị trường Khánh Hòa, tôi cũng biết nhiều người kinh doanh sản phẩm trầm hương, nhưng họ chưa một lần nhìn thấy trầm kỳ thật,...”

Ông Nguyễn Phúc - Giám đốc Công ty Trầm hương Phú Khánh bộc bạch: “Tôi may mắn được tiếp xúc với trầm hương từ năm 12 - 13 tuổi, vì người anh ở nhà cũng nghề đi Điệu. Hương trầm thật không nồng nàn như tại nhiều cơ sở bán trầm ở TP. Nha Trang - Khánh Hòa hiện nay. Chúng tôi cũng đã cho ra đời nhiều chế tác, sản phẩm tâm linh, lưu niệm, trang sức từ trầm. Thực ra, tiền nào của đó, nếu đúng sản phẩm trầm thật sẽ khó có người tiêu dùng phân biệt được hoặc biết dùng. Tôi thiết nghĩ, người thật sự đam mê, tự hào mới đeo đuổi được nghề. Vì kinh doanh trầm thật sẽ không có lời và không đủ sức cạnh tranh...”.

Thương hiệu trầm hương Khánh Hòa đi về đâu?

Trước thực trạng “ma trận” của thị trường trầm hương tại “Xứ trầm hương”, hầu hết những người trân quý và tự hào về nguồn tài nguyên này đều quan ngại. Liệu chất lượng, giá cả của các sản phẩm mang thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” đang được bày bán tràng giang đại hải trên vùng đất “Xứ trầm hương”có làm tổn hại đến thương hiệu - niềm tự hào của người con xứ sở?

Với kiểu mua bán bất chấp, liệu một lượng du khách không nhỏ chọn đến Khánh Hòa vì lực hấp dẫn của hương trầm liệu có ổn định lâu dài?! Thương hiệu “Trầm Hương Khánh Hòa” được sử dụng vô tội vạ rồi sẽ đi về đâu?!...

Ông Châu Lê - Việt kiều Mỹ chia sẻ: “Tôi thật sự thất vọng khi tìm mua một sản phẩm chuỗi hạt trầm đeo tay từ một showroom lớn tại thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang. Tôi nhấn mạnh, tôi cần trầm thật, chứ không cần giá rẻ. Vậy mà, sản phẩm tôi mang chỉ một thời gian ngắn đã gây ngứa và không còn một chút hương trầm nào...”

Dạo quanh thị trường trầm, kỳ trên thành phố du lịch biển Nha Trang, với hàng trăm sản phẩm, mẫu mã đội lốt trầm hương, kỳ nam Khánh Hòa đang lưu hành tại đây, tôi chẳng thấy có kiểm định, dán tem của một cơ quan chức năng nào. Tôi không biết là hàng thật hay giả, hay hàng loại 1, loại 2, loại 3,... Cũng 1 loại sản phẩm nhang trầm, hay bộ trang sức trầm hoàn toàn giống nhau, người bán có thể bán được nhiều giá và người mua thì hên xui...

Hầu hết, người bán sản phẩm trầm hương ở đây đều khẳng định: các sản phẩm này phần lớn được sản xuất từ các cơ sở ở huyện Vạn Ninh và TX.Ninh Hòa. Song khi chúng tôi mang đi thực tế, chủ các cơ sở sản xuất ở đây đều lắc đầu khẳng định: hàng này nhập từ Trung Quốc làm hoàn toàn bằng máy nên mẫu mã mới sắc sảo, tinh tế như vậy, còn hương trầm nồng nàn bên ngoài chỉ là hương liệu...

Ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm Hương Khánh Hòa cũng cho biết: “Hiện nay, Hội Trầm hương Khánh Hòa đang xúc tiến nhiệm vụ tư vấn bảo vệ thương hiệu Trầm hương Khánh Hòa theo đúng các trình tự quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với tư cách người đại diện Hội, tôi cũng tha thiết các tổ chức liên quan, thực thi pháp luật hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn trong công cuộc này...”.

Để hương trầm “Xứ trầm hương” được bảo tồn, được tôn vinh, mỗi người con xứ sở - những con người tâm huyết hãy cùng chung sức bảo vệ thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” như bảo vệ tình yêu quê hương của chính mình./.

Quỳnh Mỹ

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/huong-tram-xu-tram-huong-n13487.html