Hương Tràm bị dị ứng cấp tính: Chuyên gia khuyên cần phải làm ngay điều này kẻo nguy hiểm tính mạng

Dị ứng cấp tính có thể đột ngột biến đổi tình trạng người bệnh từ ngứa ngáy ở da sang không thở được. Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên uống thuốc kháng dị ứng và giữ ấm cơ thể.

Trước thềm liveshow Hộp thư số 1 diễn ra tối 11/1 tới đây tại Hà Nội, Hương Tràm bất ngờ gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Đại diện của Hương Tràm cho hay, cô bị dị ứng từ giao thừa năm 2019 khi ra Hà Nội để tập luyện cùng ban nhạc.

Ban đầu chỉ ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ, nữ ca sĩ nghĩ mức độ dị ứng khá nhẹ nên chủ quan, vẫn làm việc. Tình trạng bệnh ngày càng nặng, cơ thể nổi từng mảng đỏ từ cổ xuống đến chân tay khiến cô phải đến bệnh viện khám chữa.

Nguyên nhân dẫn đến dị ứng cấp tính như Hương Tràm

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán nữ ca sĩ bị dị ứng cấp tính. Trước đó, Hương Tràm cũng bị sút cân và stress nặng, mất ngủ thường xuyên vì quá lo lắng cho liveshow. Mỗi lần bị áp lực cô đều tự bóc da tay đến rỉ máu. Tật bóc da tay của cô bắt đầu từ cuối tháng 10 và đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Hương Tràm bị dị ứng sưng tấy thành từng cục khắp người.

Khi quan sát hình ảnh của Hương Tràm bị dị ứng sưng tấy thành từng cục khắp người, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với Zing.vn, có thể do trời lạnh, liên quan tới cơ địa của từng người. Vì vậy, ông khuyến cáo bệnh nhân nên uống thuốc kháng dị ứng và giữ ấm cơ thể.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý khi có phản ứng co thắt đường thở, ngạt thở, hoặc dị ứng qua đường tiêu hóa (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy) vì rất dễ dẫn tới tử vong.

“Không có yếu tố gì xác định dị ứng chỉ ở thể nhẹ hay nặng. Bởi lẽ, dị ứng có thể đột ngột biến đổi tình trạng người bệnh từ ngứa ngáy ở da sang không thở được. Vì vậy, người bệnh không được chủ quan và cần sớm điều trị”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.

Theo các bác sĩ, hiện tượng dị ứng (hay còn gọi là quá mẫn) là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít gây nguy hại như bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật, nấm mốc, thức ăn, thuốc, hóa chất, nọc côn trùng... (còn được gọi là các dị nguyên).

Khi dị ứng trên da sẽ nổi những nốt sần, phù, màu đỏ và gây ngứa những phần hở, từ đó có thể lan toàn thân. Ở giai đoạn bệnh nhẹ có thể chỉ có một vài biểu hiện như mề đay, da nổi phát ban, ngứa dị ứng, da nổi mảng sẩn đỏ tùy kích cỡ. Thường biểu hiện dị ứng xuất hiện ở những vùng da hở như mặt, cánh tay, chân, môi…

Một số cách giúp phòng tránh dị ứng thời tiết:

Hạn chế ra ngoài vào những ngày trời quá lạnh hoặc có mưa.

Chú ý mặc ấm khi trời chuyển lạnh, đặc biệt là các bộ phận dễ nhiễm lạnh như cổ, mặt, tay, chân, tai...

Nếu phải đi dưới trời mưa thì nên che chắn cẩn thận, tránh để cơ thể ngấm nước mưa.

Uống nhiều nước (ấm), bổ sung các thực phẩm trị dị ứng tự nhiên như cam, bưởi, dâu tây...

Tránh ăn những món dễ gây dị ứng trong thời gian mắc bệnh như hải sản, dứa, lạc...

Vệ sinh cơ thể kỹ càng, đánh răng 2 lần/ngày để phòng tránh bệnh do virus tấn công.

Tập luyện đều đặn.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/huong-tram-bi-di-ung-cap-tinh-chuyen-gia-khuyen-can-phai-lam-ngay-dieu-nay-keo-nguy-hiem-tinh-mang-a417997.html