Hương Trà (Thừa Thiên Huế): Gặp những thanh niên lập nghiệp thành công ngay trên chính quê hương

Nhờ ý chí cao và khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ, các bạn trong những câu chuyện dưới đây đều có một điểm chung là lập nghiệp thành công trên quê hương mình - thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế). Có những bạn trẻ từ nhỏ đến lớn đều gắn chặt với vùng đất này nhưng cũng có những thanh niên trở về quê sau nhiều năm bôn ba...

Anh Phan Phước Nguyên lập nghiệp thành công với mô hình gà Đông Tảo

Làm giàu từ vịt trời, gà Đông Tả

Đất đai canh tác nơi mảnh vườn nhà chứa trọn tình yêu của người thanh niên Phan Phước Nguyên (30 tuổi, tổ dân phố 10, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Không chỉ trồng rau ở mảnh đất trên vườn nhà, Nguyên còn nổi tiếng với mô hình nuôi gà Đông Tảo - giống gà “tiến vua” nổi tiếng xưa nay. Sau gần 3 năm vừa tự học và nuôi thử nghiệm, Nguyên đã thành công với một đàn gà gần 40 con.

Nguyên chia sẻ, nuôi gà Đông Tảo không nặng nhọc, “đầu tắt mặt tối” như làm nông mà sẽ cho thu nhập cao lại được tiếng thơm là nuôi gà “tiến vua”. Nhưng người nuôi phải chấp nhận bỏ ra nhiều thời gian cũng như tâm huyết bởi cần luôn túc trực để theo dõi bệnh tình của chúng. Chỉ cần sơ sẩy một chút là coi như đi tong cả chục triệu đồng. Sợ nhất là mèo, chuột, chồn... bắt gà con nên cần phải có lồng bằng lưới sắt để bảo vệ...

Cũng theo anh Nguyên, thức ăn của loại gà này khá đơn giản như: bột bắp, lúa, giá đỗ, chuối cây, rau khoai... có sẵn quanh vườn và bổ súng ít cá, tép, nhái, giun... ở giai đoạn gà đang phát triển, sinh sản.

Nói về thành quả từ ý chí và tình yêu lớn dành cho việc nghiên cứu giống gà vốn không dể nuôi này, Nguyên tâm sự: “Em học hỏi những người đi trước, hiện giờ đã tạm ổn và dần tăng thu nhập cho bản thân mình...”. Hiện đàn gà của Nguyên khi xuất bán dự kiến cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng, gấp 6 lần so với vốn đã đầu tư lúc đầu...

Có chung niềm yêu thích chăn nuôi như anh Nguyên, Hoàng Quốc Huy (29 tuổi, tổ dân phố 3, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) đã và đang thành công với mô hình nuôi vịt trời.

Hoàng Quốc Huy thành công với mô hình đàn vịt trời

Anh Huy cho hay, anh đã học cách nuôi vịt trời từ ngoài Bắc. Đến nay, sau hơn 3 năm nuôi dưỡng, anh Huy đã mở rộng đàn vịt trời của mình lên hàng nghìn con. Số vịt không chỉ trong vườn nhà mà còn mở rộng ra một vùng trang trại rộng khoảng 5.000m2 ở vùng Bàu Đen (tổ dân phố 1, phường Tứ Hạ).

Theo Huy, vịt trời phát triển rất ổn định với điều kiện thời tiết phù hợp ở miền Trung. Với giá bán trung bình 120.000 đồng/con, sau gần nữa năm nuôi, mỗi lứa vịt trời đem về cho người thanh niên này khoản lợi nhuận không dưới 60 triệu đồng...

Nhà nông dân sáng chế

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống sản xuất cơ khí nông cụ, anh Lê Hữu Minh (38 tuổi, ở thị xã Hương Trà) được nhiều người biết đến vì niềm đam mê sáng chế máy móc nông cụ. Xuất thân là một nông dân và trình độ học vấn ngang lớp 8 nhưng anh Minh đã tự mày mò nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm nông cụ nâng cao năng suất lao động cho người nông dân.

Nằm ven QL1A thuộc Tổ dân phố Giáp 3 (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà), xưởng cơ khí Hữu Lành của anh Lê Hữu Minh không ngày nào ngừng hoạt động. Hàng loạt đơn đặt hàng sản xuất máy ép dầu thủy lực- sản phẩm nổi tiếng do anh Minh sáng chế khiến xưởng cơ khí này trở nên sôi động.Những thành quả này được anh Minh mày mò chế biến và ứng dụng từ nguyên lý hoạt động của máy xe múc đất.

Anh Lê Hữu Minh cho biết: “Tôi ứng dụng từ máy xe múc đất để nghiên cứu ra máy ép dầu thủy lực. Bắt đầu tìm tòi chế tạo từ năm 2014 phải mất cả năm trời mới chế thành công cái mày này”.

Chiếc máy ép dầu phụng, dầu mè bằng công nghệ thủy lực được nông dân trồng đậu, mè ven sông Bồ ưa chuộng vì giúp họ tăng năng suất chế biến dầu lên gấp 3 lần so với phương pháp ép thủ công. Kể từ đó đến nay, anh đã làm hơn 10 máy theo đơn đặt hàng của người dân ở các tỉnh miền Trung với mỗi máy từ 45 triệu đến 75 triệu đồng.

Nông dân Lê Hữu Minh bên máy ép dầu phụng và mè của mình

Đến đầu năm 2016, một người dân ở tỉnh Quảng Trị đã đặt anh làm một máy xay nghệ tươi. Sau hơn 6 tháng nghiên cứu, tìm tòi dựa trên nguyên lý hoạt động cắt sắn tươi, anh đã cho ra đời chiếc máy xay nghệ tươi hoàn thiện của mình. Chiếc máy xay nghệ tươi có giá thành từ 5-10 triệu đồng, người dân có thể xay từ 5 tạ đến 1 tấn nghệ/ngày.

Năm 2017, anh đã đạt giải ba và giải khuyến khích Hội thi bình chọn sản phẩm công nghiệp-nông thôn tiêu biểu thị xã Hương Trà nhờ sáng chế ra 2 loại máy ép dầu phụng, mè bằng thủy lực và máy xay nghệ tươi.

Anh Minh cho biết thêm, tại cơ sở cơ khí Hữu Lành của anh, ngoài sản xuất máy ép dầu lạc, mè bằng thủy lực, máy xay nghệ tươi còn sản xuất máy bóc vỏ lạc, mè; máy sàn lạc, giàn cày lưỡi của máy cày; sửa chữa: các loại máy móc nông nghiệp, máy xay bắp, sắn khô, xay bánh dầu..., mỗi năm đem về thu nhập cho anh hơn 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng/người.

“Anh Minh đã sản xuất ra nhiều thiết bị cơ khí nông nghiệp hiệu quả, đem lại hiệu suất cao cho người nông dân Hương Trà nói riêng và vùng phụ cận nói chung. Đặc biệt, đã giải phóng được sức lao động của người nông dân và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động đang trực tiếp làm việc tại xưởng cơ khí của anh...”- ông Nguyễn Ngọc Chính, Phó trưởng Phòng kinh tế thị xã Hương Trà đánh giá.

Cây giống chất lượng

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hương Trà. Do niềm đam mê với cây giống, muốn đem lại những cây giống tốt có năng suất cao cho bà con quê hương mình nên tôi chọn theo hướng mặt hàng cây ăn trái. Những loại cây ăn trái ở đây đã được tuyển chọn rất kỹ từ những gốc ghép, cây ghép để đem lại cho bà con những cây có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế một cách cao nhất”, đó là lời tâm sự của chị Cao Thị Thu Hoài (36 tuổi, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà).

Chị Cao Thị Hoài bên vườn ươm cây giống do chính tay chị lai ghép

Chị Hoài tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm TP. HCM vào năm 2004. Sau khira trường và đã trải qua nhiều nghề khác nhau ở những vùng đất phương Nam, chị Hoài vẫn không nguôi nỗi nhớ đất đai, ruộng đồng, cây cối nơi quê nhà.

Chừng 10 năm trước, Trung tâm cung cấp cây giống với nhãn hiệu “Cây giống Hương Trà” bắt đầu hình thành. Từ cơ sở này, chị Hoài đã quyết tâm phát huy những kiến thức chuyên ngành trồng trọt đã học được ở trường vào việc không ngừng lai ghép thử nghiệm và nhân rộng những giống cây ăn trái đặc sản. Do hiểu rõ về thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu ở đây nên Thu Hoài đã ghép thành công những giống cây ăn trái 3 miền như: ổi, cam, bưởi đỏ, lê Đài Loan, táo leo, mít Thái, vú sữa, măng cụt... được bà con nông dân ưa chuộng.

“Khi chăm sóc tất cả những cây ăn trái ở đây, tôi cảm thấy rất là vui. Cái vui thứ nhất là đem lại kết quả tốt nhất cho bà con nông dân hiện nay. Thứ hai, qua quá trình chăm sóc, từ những phát hiện mới mình có thể có thêm những sáng kiến để định hình những cây mới, gốc ghép mới để giới thiệu cho bà con”- chị Hoài chia sẻ.

Sau 10 năm gây dựng thương hiệu, sắp tới “Trung tâm cây giống Hương Trà” sẽ tiếp tục thành lập một khu vườn ghép Thanh Trà Lại Bằng tại khu phố Lại Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà). Hướng đi tiếp theo này là bước tiến mới của chị Hoài trong nỗ lực duy trì chất lượng giống cây đặc sản Thanh Trà và phát triển thương hiệu Thanh Trà Huế.

Đam mê với điện thoại

Sự hình thành một đô thị mới như thị xã Hương Trà đã đem lại cơ hội phát triển ngành nghề dịch vụ cho những thanh niên tại đây. Trung tâm sửa chữa - bảo hành và mua bán điện thoại di động Gia Long ở phường Tứ Hạ của anh Phạm Đính là một ví dụ.

Anh Phạm Đính dù còn trẻ nhưng sớm nổi tiếng với thương hiệu điện thoại Gia Long trên chính quê hương mình...

Năm nay 30 tuổi, anh Phạm Đính đã sớm nổi tiếng với thương hiệu điện thoại Gia Long nhờ uy tín tay nghề với khách hàng. Học xong THPT, Phạm Đính quyết chí lên TP Huế để theo đuổi học nghề sửa chữa điện thoại di động. Yêu thích thì mau tiến bộ. Phương châm ấy rất đúng với trường hợp học nghề của chàng trai trẻ Phạm Đính vì chẳng bao lâu Đính đã thành thạo với nhiều dòng máy điện thoại di động, đặc biệt là smartphone-Iphone vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong “khám bệnh” điện thoại.

Trở về quê hương lập nghiệp, đến nay sau 9 năm hoạt động, Trung tâm sửa chữa-bảo hành và mua bán điện thoại của Phạm Đính không chỉ tạo sức hút về uy tín nghề nghiệp, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 người thợ khác với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Đính chia sẻ: “Tôi thấy từ khi nơi tôi sinh ra trở thành đô thị thì đó là cơ hội cho các bạn trẻ như tôi đây sau khi học nghề điện thoại đã chọn Tứ Hạ là nơi để tôi lập nghiệp”.

Nắm bắt những lợi thế kinh tế và cơ hội nghề nghiệp sau 6 năm Hương Trà trở thành thị xã, một thế hệ thanh niên mới năng động ở đô thị trẻ này đã tự tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cho mình dựa trên khả năng tự tìm tòi, sáng tạo và cả tố chất cần cù vốn có của người dân vùng đất bên dòng sông Bồ...

Câu chuyện lập nghiệp của những bạn trẻ thị xã Hương Trà - tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy khát vọng vươn lên không ngừng của thanh niên miền Trung, hòa cùng nhịp bước của thanh niên Việt Nam trong thời đại mới.

Xuân Trường - Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/huong-tra-thua-thien-hue-gap-nhung-thanh-nien-lap-nghiep-thanh-cong-ngay-tren-chinh-que-huong-1249734.html