Hướng tới xây dựng chính sách thích ứng già hóa dân số nhạy cảm giới

Xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.

Có chính sách toàn diện thích ứng với già hóa dân số

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Xây dựng chính sách toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”. Báo cáo này phân tích tình hình và tác động của già hóa dân số ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các đề xuất chính sách cần thiết nhằm thích ứng với xu hướng này.

Tại Hội thảo, bên cạnh báo cáo chính về Hướng tới xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số Việt Nam 2020-2030, tầm nhìn đến 2035, các đại biểu bàn về những vấn đề có liên quan đến già hóa dân số và chính sách như: Định hướng chính sách về sửa Luật Người cao tuổi (NCT) và Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2021-2015; Thích ứng với già hóa dân số: cách tiếp cận theo vòng đời và kinh nghiệm quốc tế…

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam chi biết, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có chính sách phù hợp. Xu hướng già hóa dân số là tất yếu; vì vậy, Việt Nam cần có các can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.

Phụ nữ cao tuổi cần được chăm sóc

NCT già và NCT nữ thường dễ bị tổn thương nhất. Tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật; nhu cầu và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng theo tuổi và cao hơn ở nữ. Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ cô đơn cao hơn. Họ dễ nghèo hơn, ít tiết kiệm, ít khả năng lao động và phụ thuộc tài chính nhiều hơn. Ngoài ra, nguy cơ bị lạm dụng, bạo lực cũng tăng cao. Có 1,5 triệu NCT cần chăm sóc năm 2011 và tăng lên 4 triệu năm 2019. Đến năm 2049, con số dự báo sẽ gần 10 triệu. Do đó, Việt Nam cần đảm bảo chính sách xã hội cho NCT cô đơn trong các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão. Hiện có 417 cơ sở nuôi dưỡng hơn 10 nghìn NCT. Ngoài ra, cần đảm bảo hòa nhập xã hội cho NCT qua việc tạo điều kiện cho họ có cơ hội được tôn trọng, khỏe mạnh, tích cực, độc lập và không bị đói nghèo và lạm dụng. Các chính sách hướng tới già hóa nên bao gồm cả hỗ trợ trẻ em và phụ nữ.

Xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia

Việc thích ứng với già hóa dân số không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của NCT mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách hiện tại của Việt Nam mới tập trung vào hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của NCT và chưa tính đến các tác động sâu xa của già hóa tới toàn bộ xã hội và các nhóm trẻ hơn. Vì vậy, một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới cả người trẻ tuổi và NCT, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai sẽ giúp Chính phủ đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.

Cần có chính sách phù hợp thích ứng với xu hướng già hóa dân số

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, Việt Nam cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.

Với sự hỗ trợ của UNFPA thông qua Dự án VIE 09P03 "Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc cung cấp, sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển và bằng chứng để phát triển và giám sát các kế hoạch, chiến lược và chính sách cho phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững 2017-2021”, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (VNCA) đã xây dựng báo cáo chính sách này để cung cấp phân tích và khuyến nghị về sự cần thiết ban hành một chính sách quốc gia toàn diện để thích ứng với vấn đề già hóa dân số và cung cấp các bằng chứng hỗ trợ cho Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA phát biểu

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA phát biểu: "Chúng ta hãy tăng cường quyền con người và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của NCT để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi. Bằng cách tham gia và cộng tác cùng nhau, chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt và giúp xây dựng các ứng phó có ý nghĩa đối với già hóa dân số - các ứng phó dựa trên các giá trị không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh".

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/huong-toi-xay-dung-chinh-sach-thich-ung-gia-hoa-dan-so-nhay-cam-gioi-post57362.html