Hướng tới xây dựng bảo tàng báo chí hiện đại

Bảo tàng Báo chí Việt Nam dự kiến đón khách tham quan vào năm 2019. Để chuẩn bị cho sự kiện này, sáng 26/11, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: 'Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại'.

Bảo tàng ngành nhưng vẫn sẽ hấp dẫn

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được đầu tư 24 tỷ đồng đang triển khai xây dựng, thiết kế tại tầng 1 và 2 của tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích dự kiến 2.000m2. Trước lo ngại về diện tích bảo tàng nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu trưng bày, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: "Nếu bảo tàng chỉ được xây dựng đẹp nhưng không có khách tham quan sẽ làm giảm vị trí của nó trong mắt công chúng. Ở các nước tiên tiến, vai trò của bảo tàng là bộ mặt của quốc gia, TP, ngành. Việt Nam chưa làm được điều đó. Không nên tư duy bảo tàng lớn mới phát huy hiệu quả, mà bảo tàng nhỏ nhưng xây dựng với chất lượng cao sẽ thành công lớn".

Trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn

Một trong những căn bệnh thời gian gần đây là xu hướng hoành tráng hóa các công trình bảo tàng. Ở đó, từ các ngành đến các tỉnh, TP, xu hướng xây dựng bảo tàng đang trở thành một trào lưu. Dù tiến hành khá rầm rộ nhưng hầu hết các bảo tàng chỉ có “vỏ” mà không có “ruột”. Quy trình xây dựng, khánh thành tòa nhà trước, vài năm sau mới chuẩn bị trưng bày đang là một hiện trạng bất cập của ngành bảo tàng. Vì những nhà quản lý không có kế hoạch, không tính toán đồng bộ, vừa chuẩn bị xây dựng tòa nhà vừa chuẩn bị nội dung. Thậm chí, với nhiều tỉnh, thành, xây bảo tàng theo kiểu chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan.
Nhằm tránh căn bệnh đầu tư mà không hấp dẫn, Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được chuẩn bị trong một thời gian dài. Để chuẩn bị cho công tác trưng bày, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận được 20.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý liên quan đến lịch sử báo chí các tỉnh vùng Nam sông Hậu trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975. Đó là những hiện vật, phương tiện dùng để tác nghiệp như máy thu thanh, máy quay, máy ảnh, loa, radio, đầu đĩa... hay những bút tích, hình ảnh, hồi ký của các nhà báo liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; hoặc tài liệu hiện vật của các phóng viên trong thời kỳ đổi mới... Theo các chuyên gia, với khối lượng tài liệu hiện vật này, ngành báo chí có thể kể những câu chuyện hấp dẫn trong chiều dài lịch sử 93 năm của báo chí cách mạng Việt Nam.
Khách tham quan phải là thượng đế
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút công chúng đến bảo tàng như áp dụng khoa học, công nghệ, các hình thức nghệ thuật trưng bày, tổ chức chuyên đề. Tuy nhiên, mấu chốt để bảo tàng hiện đại hoạt động tốt, hướng đến tự chủ phải lấy công chúng là trung tâm, đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (bảo tàng duy nhất hiện nay tự chủ về tài chính, có lượng khách tham quan 1,6 triệu người/năm, 1 trong 10 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á): “Bảo tàng cần xem khách hàng là thượng đế, kết nối với đội ngũ cộng tác viên, những nhân chứng của các sự kiện để các hoạt động thêm sinh động, hấp dẫn. Ngoài ra, các bảo tàng cần đồng hành với ngành du lịch, có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch, để tạo nguồn khách thường xuyên”.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện được các yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng, người đứng đầu các bảo tàng phải kiên trì thực hiện chính sách, thuyết phục chính quyền địa phương, đầu tư trưng bày chuyên đề thu hút vốn đầu tư từ các cơ quan, DN.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huong-toi-xay-dung-bao-tang-bao-chi-hien-dai-330734.html