Hướng tới thực chất, hiệu quả

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiệm kỳ 2013 - 2018, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong CNVCLĐ có sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước.

Thiết thực, hiệu quả

Cụ thể, các cấp công đoàn (CĐ) đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “văn hóa, thể thao” đạt được một số kết quả thiết thực.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018 cho các cá nhân tiêu biểu.

Ở khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các phong trào thi đua do CĐ tổ chức đã gắn kết với mục tiêu, định hướng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Tiêu biểu là phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu với mục tiêu đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, an toàn và vượt tiến độ đã phát huy trí tuệ, sức mạnh, tinh thần đoàn kết của lực lượng cán bộ, đoàn viên, người lao động thi công trên công trường. Qua đó, giúp công trình hoàn thành vượt tiến độ, sớm hơn 1 năm, làm lợi cho ngân sách Nhà nước trên 7.000 tỷ đồng...

Phong trào thi đua trong khu vực hành chính, sự nghiệp được nhiều đơn vị cụ thể hóa, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân. Phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được đông đảo đoàn viên, người lao động hưởng ứng, tham gia.

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” có chuyển biến tích cực, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm nữ CNVCLĐ trong công tác lao động, sản xuất, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện môi trường sống và điều kiện làm việc cho người lao động.

Đặc biệt, các cấp CĐ đã tổ chức nhiều hình thức tôn vinh, khen thưởng động viên người lao động trực tiếp, cán bộ CĐ cơ sở có thành tích xuất sắc trong hoạt động CĐ. Giải thưởng do các cấp CĐ tổ chức tiếp tục đổi mới, phát triển phong phú như Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Giải thưởng Tôn Đức Thắng...

Qua các phong trào thi đua, Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX đã tôn vinh 486 cá nhân, tập thể trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn (2010 - 2015). Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” được nâng lên thành Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” đã góp phần động viên, khích lệ các doanh nghiệp cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động, hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Tổng Liên đoàn tổ chức các Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”, tôn vinh 30 tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong 30 năm đổi mới của đất nước; tổ chức chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”, tôn vinh 8 công trình kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của những người lao động Việt Nam...

Các chương trình trên được đoàn viên, người lao động và dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần nhân lên các điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Hướng tới lượng hóa các tiêu chí thi đua

Trên đà những kết quả đạt được, nhiệm kỳ tới (2018-2023), Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định sẽ đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức CĐ, của đoàn viên, người lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, các cấp CĐ sẽ tập trung phát triển phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” sát hợp từng khu vực, đối tượng, trọng tâm là phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khu vực sản xuất kinh doanh; phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong khu vực cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao sự hài lòng của người dân về các dịch vụ xã hội.

Hoàn thiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “văn hóa, thể thao” cả về nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với cơ quan, đơn vị, nhất là khu vực ngoài Nhà nước. Nghiên cứu phát triển phong trào thi đua liên kết ở các công trình trọng điểm; phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo, hiệu quả cao trong cán bộ CĐ.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, thời gian tới, các cấp CĐ cần quan tâm lượng hóa các tiêu chí đánh giá thi đua cho từng đối tượng đoàn viên, người lao động, lấy kết quả thi đua làm cơ sở đề xuất, khen thưởng tương xứng. Thực hiện tốt công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của CĐ trong khen thưởng cấp dưới, phấn đấu tỷ lệ khen thưởng đối với người lao động trực tiếp đạt từ 15% trở lên trong tổng số những người được khen thưởng.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đức Thuận và các giải thưởng khác của các cấp CĐ... để mỗi giải thưởng thực sự trở thành động lực tinh thần của các điển hình tiêu biểu. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng chuyên nghiệp; hoàn thiện các quy trình, thủ tục trong công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo minh bạch, chính xác và kịp thời.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-toi-thuc-chat-hieu-qua-78548.html