Hướng tới sản xuất vật liệu xây dựng từ chất thải

Chiều 25/11, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietbuild, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo 'Công nghệ và vật liệu đột phá trong ngành xây dựng thời kỳ hậu Covid-19'. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Buổi hội thảo là nơi các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đánh giá các tác động của dịch Covid-19 đối với tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành này, đồng thời giới thiếu các sản phẩm đã, đang và sẽ áp dụng tại Việt Nam, phục vụ cho việc làm đẹp các công trình xây dựng, làm bền, đảm bảo an toàn và phát triển, bảo vệ môi trường.

 Các đại biểu tham gia và phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham gia và phát biểu tại Hội thảo

Tại buổi hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, nhờ kiểm soát dịch tốt, kinh tế Việt Nam năm nay được dự báo sẽ tăng trưởng dương. Ngành vật liệu xây dựng nhờ đó vẫn giữ được những con số khả quan. Tính đến hết tháng 10 kính xây dựng đạt được hơn 170 triệu m2, sứ vệ sinh cũng đạt mốc 13 triệu sản phẩm, lĩnh vực xi măng đạt 74 triệu tấn.… Đặc biệt, ngành sản xuất xi măng không chỉ đạt được mục tiêu sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Thị trường bất động sản được đánh giá là có nhiều tín hiệu tích cực trong năm tới. Đây là cơ hội để lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phát triển mạnh” - Ông Phạm Văn Bắc bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của ngành trong năm tới.

Phát biểu về “Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 -2030, định hướng đến năm 2050”, ông Bắc cho biết, Chiến lược này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phê duyệt vào tháng 8/2020 vừa qua.

Theo đó, Chiến lược hướng đến 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cao trên thị trường quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Thứ hai, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam – khẳng định: “Trong tương lai, ngành vật liệu xây dựng sẽ là ngành đi theo kinh tế tuần hoàn, không có chất thải và sử dụng chất thải của các ngành khác để sản xuất nguyên vật liệu”.

Hoan nghênh chính sách này của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp khoa học công nghệ có mặt tại buổi hội thảo cũng đưa ra các báo cáo tham luận về việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới, phát triển sản xuất vật liệu mới thân thiện môi trường, vật liệu xây dựng thông minh cho thành phố thông minh…

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-toi-san-xuat-vat-lieu-xay-dung-tu-chat-thai-148178.html