Hướng tới phát triển Bảo hiểm y tế bền vững

Bảo hiểm y tế là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách Bảo hiểm y tế cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững.

Quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo.

Quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo.

Vẫn còn nhiều thách thức

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời từ năm 2008, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính - y tế công thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Trong đó đã quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện”.

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi vào năm 2014, đến nay, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã có những kết quả nổi bật đáng được ghi nhận. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT đạt hiệu quả cao nhất. Các chính sách, pháp luật BHYT đã ngày càng được hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực.

Cùng với chính sách BHXH, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách BHYT cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: Già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi,... và đặc biệt là chi khám chữa bệnh BHYT không ngừng gia tăng, từ năm 2017 quỹ BHYT bắt đầu trong tình trạng chi vượt quá thu trong năm. Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững yêu cầu cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Hiện nay, một trong những thách thức không nhỏ để đạt được tỉ lệ 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 là việc số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay vẫn còn ít. Đây là nhóm người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT.

Hướng giải quyết đặt ra là ngành BHXH sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT. Đồng thời có những giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.

Ngoài ra để việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT cũng cần sớm thực hiện và hoàn thiện các quy trình thực hiện của các giải pháp như: phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Thay đổi phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với khám chữa bệnh ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán DRG đối với khám chữa bệnh nội trú. Đồng thời, kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở khám chữa bệnh; đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế.

Ngoài ra cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối đa.

Theo BHXH Việt Nam, thời gian tới, ngoài các biện pháp trên, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT... Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Nhiều bệnh nhân được BHYT chi trả hàng tỷ đồng viện phí

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, từ năm 2019 đến 18/6, quỹ BHYT đã chi trả tiền khám chữa bệnh cho 58 bệnh nhân với số tiền trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú, 12 bệnh nhân có tổng số chi phí lên đến 2 tỷ đồng/đợt điều trị. Cụ thể, một bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh có quyền lợi hưởng BHYT 100%, đã được chi trả tổng chi phí KCB BHYT là 2,02 tỷ đồng.

Bệnh nhân có mã thẻ HN230302189XXXX (BHXH tỉnh Hải Dương phát hành) thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, quyền lợi hưởng BHYT 100%. Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,1 tỷ đồng.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/huong-toi-phat-trien-bao-hiem-y-te-ben-vung-129634-129634.html