Hướng tới nền nông nghiệp sạch

Mới đây, một xét nghiệm định tính quy mô nhỏ của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã cho ra kết quả đáng lo ngại. Trong số 67 người dân thuộc bốn huyện ngoại thành Hà Nội tham gia lấy mẫu máu xét nghiệm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong cơ thể, có tới 31 người thuộc nhóm nguy cơ và một người ở nhóm nguy hiểm, rủi ro cao. Dù số lượng mẫu xét nghiệm ít, nhưng đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, từ năm 2014 đến 2017, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn dao động từ 250 tấn đến 316 tấn. Trung bình, mỗi năm nông dân Hà Nội dành từ 40 triệu đến 50 triệu đồng mua thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Trong đó, nhiều địa bàn có tỷ lệ sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật rất cao như Mê Linh, Hoài Ðức, Ðông Anh, Ba Vì... Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ tác động trực tiếp lên các loại cây trồng, mà các loại thuốc đó còn lan tỏa trong không khí và hấp thụ vào người qua da hoặc qua đường hô hấp, từ đó gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, các bệnh về thần kinh, sinh sản... Thêm nữa, việc người nông dân sử dụng, vứt bỏ các bao bì, túi đựng phân, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi khiến môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thời gian qua, mặc dù nông nghiệp có những bước tăng trưởng khá, nhưng để hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững thì cần chú trọng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nông sản của Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng hiện chưa đạt giá trị cao, chưa xuất khẩu nhiều bởi chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. Tại Hà Nội hiện nay, dù đã có các vùng sản xuất nông sản an toàn, nhưng diện tích trồng trọt tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ vẫn lớn. Người nông dân vẫn canh tác theo thói quen, thiếu các hiểu biết về an toàn, sức khỏe và tác hại của thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Ðôi khi, rõ ràng họ biết tác hại, nhưng vẫn cố tình sử dụng.

Ðể giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu một cách tràn lan, cần có những quy định, giám sát chặt chẽ về việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thương phẩm thuốc này. Ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức cho người nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, nhất là các lớp học về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Từ đó, tổ chức cho nông dân sản xuất theo chuỗi, nhóm liên kết để khép kín quy trình, truy xuất được nguồn gốc và quá trình sản xuất. Thành phố cần định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để cho ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng và đạt năng suất cao.

Bình Nguyên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37167902-huong-toi-nen-nong-nghiep-sach.html