Hướng tới 'nền kinh tế carbon thấp'

Việt Nam đang hướng tới 'nền kinh tế carbon thấp', là chia sẻ của Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại phiên thảo luận cấp cao về Biến đổi khí hậu (BĐKH), sự kiện do Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức sáng 28-9, tại Hà Nội.

Các diễn giả tại Phiên thảo luận cấp cao về Biến đổi khí hậu, diễn ra sáng 28-9 tại Hà Nội.

Các diễn giả tại Phiên thảo luận cấp cao về Biến đổi khí hậu, diễn ra sáng 28-9 tại Hà Nội.

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu có đại diện Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam, lãnh đạo Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Công Thành, TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TNMT, đại diện các đại sứ quán, đại diện các tổ chức cộng đồng cùng đông đảo công chúng quan tâm đến BĐKH.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu tại Việt Nam nói chung, phiên thảo luận cấp cao về BĐKH nói riêng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH.

Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và “có tính chống chịu thấp” đối với những ảnh hưởng của BĐKH cùng các hiện tượng thiên tai cực đoan. Chính phủ Việt Nam sớm nhận thức được BĐKH là nguy cơ đối với phát triển bền vững, do đó ưu tiên và tích hợp việc thích ứng với BĐKH vào các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các vùng kinh tế, các ngành kinh tế dễ bị “tổn thương” bởi BĐKH.

Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam không thể tránh khỏi các nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu lớn cho nền kinh tế, đồng nghĩa với việc lượng phát thải sẽ tiếp tục tăng. Nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cam kết cắt giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính từ nay cho đến năm 2030, và có thể nâng mức cắt giảm lên 25% với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Để thực hiện được cam kết như trên, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý, năng lực kỹ thuật, cơ chế phối hợp, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đưa ra nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời khuyến khích, tăng cường sự tham gia của khối tư nhân, các tổ chức chính trị - xã hội vào việc huy động nguồn lực, thực thi các giải pháp sẵn sàng ứng phó với BĐKH.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu mở đầu phiên thảo luận.

Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất là tất cả các thành phần tham gia ứng phó với BĐKH đều cần phải thay đổi. Từ việc các chính phủ cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế hướng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp thay đổi cách hoạt động sản xuất kinh doanh, đến vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet cho rằng, việc cần thiết trước mắt là cần phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi các công nghệ gây ô nhiễm sang các công nghệ “xanh và sạch” trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Ông Bruno Angelet cho biết, Phái đoàn EU tại Việt Nam sẽ ưu tiên dành đến 60% kinh phí để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang công nghệ và năng lượng sạch trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lượng khí phát thải trong thời gian tới.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TNMT) cho biết, thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phân công thực hiện “Thỏa thuận Paris”, đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện nhằm nhằm ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Theo TS Cường, Việt Nam đang tích cực thực hiện lộ trình giảm khí phát thải phù hợp với phát triển kinh tế, để hướng tới “nền kinh tế carbon thấp”.

Tại phiên thảo luận, Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh đã chia sẻ một số kinh nghiệm, sáng kiến của GreenID trong việc hỗ trợ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa. GreenID đã đóng góp nhiều sáng kiến trong lĩnh vực năng lượng như lập kế hoạch năng lượng địa phương, đào tạo, hướng dẫn người dân sử dụng năng lượng “sạch”, góp phần giảm khí phát thải ra môi trường. GreenID cũng có nhiều kiến nghị, đóng góp vào quy hoạch điện quốc gia trong thời gian qua.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các diễn giả liên quan đến ứng xử và trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ứng phó với BĐKH.

* Huy động nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu

* Hệ quả của biến đổi khí hậu

* Các tỉnh phía nam chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (Tiếp theo và hết) (*)

* Các tỉnh phía nam chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (Kỳ 1)

TQD

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37757902-huong-toi-%E2%80%9Cnen-kinh-te-carbon-thap%E2%80%9D.html