Hướng tới một năm xuất khẩu thắng lợi

Cùng với kết quả khả quan về thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu đang chứng tỏ vị thế là điểm sáng của nền kinh tế, động lực quan trọng để tạo ra tăng trưởng. Hiện tại, có thể nhận định sớm về một năm thắng lợi của hoạt động xuất khẩu, từ đó tạo đà cho năm kế hoạch tiếp theo...

Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 180 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng chủ lực tăng trưởng mạnh là điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính và linh kiện; sắt thép các loại; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; giày dép... Đặc biệt, do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên nền kinh tế đã xuất siêu gần 5,4 tỷ USD giá trị hàng hóa, thể hiện sức vươn và khả năng thích ứng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, thực tế này cũng góp phần đắc lực vào mục tiêu bảo đảm nguồn cung ngoại tệ cho đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đến nay đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Thời gian tới, Bộ tiếp tục điều hành theo hướng khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô kết hợp đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó là tiếp tục chủ động gia tăng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo để nhân lên lợi thế và tiềm năng của nhóm hàng này trên thị trường quốc tế. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ tăng khoảng 11,2% so với năm ngoái và là một thành công của nền kinh tế...

Xét về thị trường, đến nay Hoa Kỳ vẫn là nơi nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, với trị giá đạt trên 10 tỷ USD; tiếp theo là EU, Nhật Bản, Trung Quốc... Bộ Công Thương đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập quốc tế, nhất là khai thác lợi thế, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động và kết quả xuất khẩu trong thời gian qua là điểm sáng của nền kinh tế. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã vào được một số thị trường khó tính. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định thì các cơ quan chức năng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng sở tại như: Bảo đảm quy định về mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trong sử dụng cũng như tuân thủ các quy định quốc tế về lao động và bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hoạt động thương mại của Việt Nam phải đối mặt với cả thách thức và cơ hội đan xen. Đó là "cuộc chiến" thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến hàng cùng chủng loại của Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện tại thị trường Việt; từ đó làm tăng áp lực cạnh tranh trực tiếp với hàng "nội". Trong khi đó, một số nhà đầu tư từ Mỹ cũng có thể cân nhắc khả năng chuyển dịch cơ sở sản xuất, dự án đầu tư tới Việt Nam như một lựa chọn để tiếp tục phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm được thiệt hại do căng thẳng thương mại.

Như vậy, "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục "leo thang" và đặt ra nhu cầu cần có đối sách, phương án chủ động ứng phó. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm thị trường để kịp thời tư vấn cho doanh nghiệp nhằm tăng cường thâm nhập vào các thị trường mới hoặc có sức mua lớn, tránh tình trạng tập trung quá nhiều vào một vài thị trường. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển, sản xuất trong công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, tham gia được vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu… bằng cách tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt kết hợp giảm tỷ lệ gia công, lắp ráp...

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/916926/huong-toi-mot-nam-xuat-khau-thang-loi