Hướng tới mô hình cá thể hóa trong dinh dưỡng

Hội thảo khoa học quốc tế Tiếp cận cá thể hóa trong phát triển nguồn nhân lực và thực hành dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế vừa diễn ra tại TP Cần Thơ với sự tham gia của nhiều chuyên gia về dinh dưỡng trong và ngoài nước. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô, cho biết, hội thảo do trường phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam tổ chức, nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về tình hình dinh dưỡng trong nước và thế giới, đồng thời là diễn đàn để các nhà khoa học dinh dưỡng chia sẻ các thông tin từ các kết quả nghiên cứu mới nhất.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia dinh dưỡng trong nước và thế giới tham dự.

Hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng cho cộng đồng

Mặc dù là quốc gia phát triển số 1 thế giới, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng bệnh viện ở Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, với khoảng 50% bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện. Nhiều hệ lụy của tình trạng này đó là bệnh nhân đối mặt với nguy cơ vết thương lâu lành, viêm loét, nhiễm khuẩn, thời gian nằm viện lâu, tái nhập viện nhiều lần, tăng tỷ lệ tử vong và tốn kém nhiều chi phí nằm viện cũng như chăm sóc sức khỏe. Giáo sư Martha Archuleta, Khoa Dinh dưỡng, tiết chế và khoa học thực phẩm tại Utah State University (Đại học bang Utah, Mỹ), chia sẻ tại hội thảo về vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe mọi người, nhất là đối với người bệnh. Theo đó, cán bộ dinh dưỡng sàng lọc bệnh nhân suy dinh dưỡng trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện, tư vấn kịp thời cho người bệnh về vấn đề dinh dưỡng, cung cấp thực phẩm hoặc hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị.

Không chỉ quan tâm chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân, tại Mỹ, nhiều chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho cộng đồng được thực hiện rộng khắp. Các nhóm đối tượng được ưu tiên bao gồm phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh, trẻ sơ sinh, trẻ trong độ tuổi đi học và người cao tuổi. Trẻ em được quan tâm nhiều nhất, tập trung ở lứa tuổi học đường, bao gồm: chương trình bữa ăn học đường, bữa sáng quốc gia, chương trình dịch vụ thực phẩm mùa hè. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cộng đồng góp phần giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân, giảm tỷ lệ trẻ thiếu máu do thiếu sắt và tiết kiệm nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe là WIC, gói thực phẩm được thiết kết cung cấp sắt, canxi, vitamin A và C và protein, với các thực phẩm gồm sữa công thức, ngũ cốc, thực phẩm trẻ em, trái cây và rau củ, trứng, sữa, phô mai, sữa chua, đậu hủ, bơ lạc, các loại đậu, cá đóng hộp, bánh mì nguyên cám. Song song với trẻ nhỏ, người cao tuổi Mỹ có thu nhập thấp cũng được tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ dinh dưỡng. Bữa ăn trên xe là tên một chương trình cung cấp thức ăn nóng tận nhà cho người cao tuổi hoặc cung cấp tới những cơ sở cộng đồng.

Theo Giáo sư Martha Archuleta, để có tình trạng dinh dưỡng tốt, mọi người cần được tiếp cận với thực phẩm dinh dưỡng và an toàn; có kiến thức và kỹ năng để lựa chọn và chế biến thực phẩm dinh dưỡng. Hàng năm, nước Mỹ tổ chức hoạt động khảo sát với khoảng 5.000 người trên toàn quốc, thực hiện tại nhà người dân hoặc trung tâm sức khỏe lưu động, về các thông tin chế độ ăn, hoạt động thể lực và cân nặng, thông số sức khỏe, các yếu tố nguy cơ, bệnh tật, tình trạng chăm sóc y tế… Qua đó, xây dựng hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Cá thể hóa chế độ dinh dưỡng

Gần 40 năm qua, vai trò của dinh dưỡng ở Việt Nam được ghi nhận qua nhiều thành tựu góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, giảm tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai, giảm tỷ lệ thiếu vitamin A, I-ốt, thiếu máu trong cộng đồng. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc can thiệp dinh dưỡng theo hướng tiếp cận cá thể hóa sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả của dinh dưỡng đối với sức khỏe người dân. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Huy – Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết, cá thể hóa trong dinh dưỡng là dựa trên cơ sở phân tích đặc tính về thể chất, hành vi, lối sống, kiểu gien và điều kiện thể lực của mỗi cá nhân để tư vấn chế độ dinh dưỡng và lối sống hiệu quả hơn. Mục đích của cá thể hóa dinh dưỡng là chuyển dịch từ việc tư vấn chế độ ăn chung chung cho tất cả các đối tượng trong cộng đồng sang việc tư vấn chế độ ăn của mỗi cá nhân dựa trên cơ sở cấu hình và cấu trúc gien.

Bếp ăn Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cung cấp suất ăn cho hàng trăm bệnh nhân nội trú mỗi ngày, với sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.

Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu về mô hình bệnh tật ở Việt Nam cho thấy tình trạng bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó, các bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều bệnh lý gây tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế. Những bệnh lý này có nguyên nhân rất lớn từ lối sống, sinh hoạt, đặc biệt từ chế độ ăn uống. Mặt khác, với người đã mắc bệnh, người bệnh thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, có thể chung sống “hòa bình” với bệnh, hạn chế biến chứng.

Từ vai trò của quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe cộng đồng nói chung, từng cá nhân nói riêng, ở nhiều quốc gia phát triển, ngành dinh dưỡng là một ngành đặc thù quan trọng, với lực lượng dinh dưỡng viên đông đảo. Ở Mỹ, có hơn 327 triệu dân với mạng lưới hơn 89.000 dinh dưỡng viên. Ở Nhật Bản, hơn 126 triệu dân, có hơn 128.000 dinh dưỡng viên được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề, thực hiện nhiệm vụ cung cấp những liệu pháp dinh dưỡng hợp lý, bảo vệ người tiêu dùng khỏi những ảnh hưởng từ những lời khuyên hoặc can thiệp dinh dưỡng không đảm bảo an toàn hoặc không chính xác cho sức khỏe. Nhật Bản còn ban hành quy tắc đạo đức cho cán bộ dinh dưỡng, gồm những vấn đề về lòng tự trọng và trách nhiệm nghề nghiệp, tận tâm cống hiến để cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua những hướng dẫn dinh dưỡng dựa trên những bằng chứng khoa học và công nghệ tiên tiến. Còn theo luật pháp của nước Pháp, cán bộ dinh dưỡng thường xuyên cung cấp lời khuyên dinh dưỡng và thiết lập chế độ ăn cá nhân hóa đảm bảo cân bằng và giáo dục để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cán bộ dinh dưỡng còn có vai trò đánh giá và kiểm soát chất lượng của thực phẩm phục vụ trong cộng đồng cũng như các hoạt động phòng ngừa trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng liên quan đến dinh dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, vấn đề dinh dưỡng có liên quan trực tiếp và thiết yếu đối với thực trạng hiện nay nước ta đang đối mặt, gồm các nguy cơ gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, già hóa dân số, tầm vóc thấp bé của người Việt Nam… Trong khi đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực dinh dưỡng chưa được đào tạo tương ứng cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu thực tiễn. Số cán bộ dinh dưỡng ở Việt Nam cần được đào tạo lên tới khoảng 8.000 người. Mạng lưới cán bộ dinh dưỡng chủ yếu được đào tạo thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn, chưa có trình độ đại học. Do vậy, Trường Đại học Tây Đô góp nhiều công sức trong việc tổ chức hội thảo quốc tế, quy tụ các chuyên gia về dinh dưỡng thế giới, cùng nhau thảo luận về thực trạng và các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng người dân trong thời gian tới.

Dự kiến năm 2020, Trường Đại học Tây Đô sẽ mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành dinh dưỡng, sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, góp phần đào tạo nguồn nhân lực ngành dinh dưỡng cho vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/huong-toi-mo-hinh-ca-the-hoa-trong-dinh-duong-a115466.html