Hướng tới kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6): Nhà báo Phạm Văn Tri - Cây đại thụ trong Làng báo Cà Mau

Giới báo chí Cà Mau trưởng thành sau năm 1975 dường như ai cũng biết đến ông – một nhà báo trở về sau cuộc chiến tranh chống Mỹ. Song cái để lớp trẻ ngưỡng mộ ông không phải chỉ là quá khứ oai hùng của một phóng viên chiến tranh, đã từng vào sinh ra tử, có mặt hầu hết ở các chiến trường ác liệt, mà chính là nhân cách và tấm lòng của ông – một tấm lòng nhân hậu, thủy chung sống có nghĩa, có nhân với anh em, đồng chí bạn bè.

Tác giả bài viết trong một lần về thăm Nhà báo Phạm Văn Tri.

Gần 25 năm làm Tổng biên tập tờ báo Đảng của tỉnh, công tác quản lý đã chiếm một số lượng thời gian rất lớn, ông ít có tác phẩm báo chí, song phải nhìn nhận một cách công tâm rằng: Dưới thời ông làm Tổng biên tập, một đội ngũ làm báo hùng hậu, gồm những nhà báo có tài, có tâm đã quy tụ về. Sau này, vì nhiều lý do khác nhau những Đặng Huỳnh Lộc, Võ Đắc Danh, Trần Đại Dương, Anh Ngọc, Hồng Hạnh, Thái Hùng … Lần lượt ra đi. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự ra đi đó! Song có một nguyên nhân mà chưa ai tiện nói ra, đó là nhiều nhà báo cộng tác dưới quyền ông cảm thấy hẫng hụt khi ông về đảm nhận trọng trách mới. Thi thoảng có dịp gặp lại nhau, họ - những nhà báo đã từng có một thời sống chung dưới “mái nhà” do ông dìu dắt vẫn thường nói với nhau rằng: Chính hai chữ TÀI và TÂM của ông đã thu phục họ.

Lịch sử phát triển báo chí của báo Cà Mau rồi đây sẽ có những trang ghi nhận rằng vào thập niên 80 của thế kỷ XX, báo Minh Hải là một trong những tờ báo chống tiêu cực mạnh nhất của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Một tờ báo địa phương, chống các hiện tượng tiêu cực trong phạm vi một địa phương nhưng độc giả từ An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long…đều tìm mua đọc thì đúng là hiện tượng lạ.!

Chân dung Nhà báo Phạm Văn Tri.

Vụ án Lữ Anh Dồi- một sĩ quan công an bị chính đồng đội của mình thủ tiêu giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng suốt 9 năm trời bị rơi vào im lặng - người vợ đau khổ trước cái chết tức tưởi, oan ức của chồng đã đội đơn tìm đến ông. Bằng tất cả sự thận trọng vốn có của một Tổng biên tập và bằng cả nỗi đau của một nhà báo trước nghịch lý ở đời, ông đã huy động lực lượng phóng viên vào cuộc. Thực ra thì trong cuộc đấu tranh này không ít người nghĩ rằng báo Minh Hải khó lòng thắng đươc, nhiều người khuyên ông nên dừng lại, kể cả sự chụp mũ đê hèn bằng cách suy diễn rằng phía sau loạt bài phanh phui sự thật kia là cái gì? Một ngụ ý đầy ác ý. Bình tĩnh và kiên quyết ông trả lời:

- Đằng sau những bài báo ấy là nỗi đau đớn đến tột cùng của một người vợ trước cái chết oan ức của chồng, là tiếng kiêu xé lòng của đứa trẻ không hiểu vì sao cha mình chết, là chân lí đang thôi thúc những ai còn nghĩ và biết đến công bằng, lẽ phải.

Với ông, không có sự ưu tiên tội ác cho bất cứ quyền lực nào!

Từ một vụ việc tưởng đâu đã bị thế lực đen tối vùi yên vào quên lãng, ông đã cùng đồng sự lôi nó ra trước tòa. Nói thì nghe đơn giản thực ra trong cuộc chiến đấu chống lại thế lực tiêu cực lắm quyền nhiều thế, dư thừa tiền của này đã có lúc không ít người nhìn ông bằng cặp mắt e dè, ái ngại.

Nhà báo Phạm Văn Tri (bìa trái) cùng Nhà báo Nguyễn Minh (người kế bên) về thăm gia đình nhà báo liệt sĩ Nguyễn Mai- Anh hùng LLVTND đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (nguồn: Báo Cà Mau).

Có một câu chuyện khá cảm động về ông mà anh em làm báo vẫn thường hay nhắc lại. Số là hồi ấy vào những năm đất nước còn trong cơ chế bao cấp, cuộc sống của người làm báo còn nhiều khó khăn lắm, ông nghĩ cách xuống rừng tìm đất nuôi tôm định kiếm thêm thu nhập cho anh em. Vuông tôm đâu chưa thấy, chỉ thấy cả một vùng rừng đước bạt ngàn đứng trước nguy cơ biến mất, cả khu rừng Kinh Xưởng Tiện- Một vùng rừng cóc nguyên sinh từng duy nhất của Cà Mau từng là A-T-K (an-toàn-khu) thời đánh Mỹ cũng bị phá tan tành, ông dẹp ý định kiếm đất nuôi tôm và thay vào đó là “một chiến dịch cứu rừng” kéo dài trên báo Minh Hải và trớ trêu thay người có liên quan trong vụ phá rừng này là một đồng đội, từng vào sinh ra tử cùng ông thời đánh Mỹ…Người ta thấy ông buồn hơn, trầm lăng hơn và lúc người đồng đội ấy phải ra đối mặt trước pháp luật, ông tâm sự với vài người bạn thân rằng ông có lỗi vì “Không cứu được nó và cũng…không cứu được rừng”!

Với nghề, ông là một con người sòng phẳng, với đồng đội ông sống hết mực thủy chung. Hồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, có một đứa con của một nhà báo đã hi sinh thời đánh Mỹ tình nguyện nhập ngũ lên đường chiến đấu. Ông viết ngay một lá thư cho Trung tá Huỳnh Minh Ngữ- Lúc ấy đang là chủ nhiệm chính trị đoàn 9907- Ông lo cho sinh mạng của người thanh niên - Giọt máu cuối cùng còn sót lại của một nhà báo đã hi sinh. Người thanh niên ấy nay là một nhà báo đã trưởng thành và vẫn thường về thăm ông với một tình cảm ấm nồng tình phụ tử.

Thưa bạn đọc kính mến!

Khi được phân công tìm một chân dung nhà báo để viết nhân dịp kỉ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách Mạng Việt Nam, Tôi nghĩ đến ông và thú thực tôi cũng biết rằng đây là một điều không đơn giản. Bởi lẽ tôi chỉ là kẻ “hậu sinh” chập chững bước vào nghề trong khi nhân vật của mình thì đã có gần 50 năm cầm bút. Hơn thế nữa, đây là một nhà báo có tầm ảnh hưởng rất lớn trong báo giới Cà Mau, tôi định lấy tác phẩm báo chí của ông đưa vào bài viết của mình nhưng không ai thống kê được, song có một điều chắc chắn rằng nhân cách và tấm lòng của ông thì không ai có thể nghi ngờ.

Hồi còn làm Tổng biên tập báo Cà Mau, ông vẫn thường nói với phóng viên của mình rằng nghề làm báo là một nghề không đơn giản, vinh quang và cay đắng luôn là một cặp song hành trên đường tác nghiệp. Cái nguy hiểm đối với nhà báo trong thời bình không giống như phóng viên trong chiến tranh. Ranh giới THIỆN và ÁC; giữa phản bội và trung thành…mong manh lắm và chỉ một chút lơ là thôi thì lập tức đúng – sai - tối - sáng…Sẽ bị nhập nhòa và khi ấy thì tai họa sẽ không lường.

Khi về làm chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam tình Cà Mau - một tổ chức chính trị - nghề nghiệp mà báo giới vẫn thường ví đây như là một ngôi nhà chung cho bất cứ ai cảm thấy mỏi gối chồn chân trên đường tác nghiệp, ông vẫn như vậy. Ông hiền hòa, đôn hậu sẻ chia với các nhà báo trẻ bằng cả tâm tư, tình cảm của một người đi trước, tích lũy cả môt đoạn đời cầm bút với bao nhiêu trải nghiệm đắng cay, sướng khổ, ngọt bùi.

Bây giờ ông đã về hưu, tôi vẫn thi thoảng ghé lại thăm ông và trong những câu chuyện thường miên man về miền ký ức ấy, ông vẫn như có một sức hút với tôi về những tháng năm đẹp nhất của người đã gần trọn một đời làm báo.

Tôi biết đã có không ít nhà báo trẻ tìm đến ông, tìm đến một tâm hồn, một nhân cách đẹp để làm điểm tựa trong những lúc bối rối “trước ngã ba đường. Vẫn như ngày nào, nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi ông, vẫn một cái nhìn bao dung độ lượng và thường sau những lần gặp đó nếu người làm báo nào có tâm, có tài thật sự thì họ sẽ biết mình là ai và cuộc sống ngày hôm nay đang cần ở họ cái gì?

Huỳnh Hải

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/huong-toi-ky-niem-96-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-nha-bao-pham-van-tri-cay-dai-thu-trong-lang-bao-ca-mau-a3403.html