Hướng tới giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Khi cần thì sẵn sàng đẩy giá mua lên cao ngất ngưởng, bất chấp chất lượng; khi không cần thì bỏ mặc cho giá rớt thê thảm… là câu chuyện từng xảy ra với sản phẩm hoa hồi ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Việc phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc đang khiến người trồng hồi không khỏi âu lo.

Huyện Tràng Định là mảnh đất có cây hồi bén rễ đã nhiều đời. Đến nay, diện tích hồi khoảng 1.878,8 héc-ta, trong đó có khoảng 1.000 héc-ta đã cho thu hoạch, giá trị hàng năm ước đạt 41 tỷ đồng.

Dẫn tôi đi thăm rừng hồi trải dài, ông Triệu Thạch Can – Bí thư Chi bộ thôn Khau Cà, xã Đề Thám chia sẻ: “Lớn lên đã thấy rừng hồi rồi, nhưng trước kia giá hồi lúc đắt, lúc rẻ nên chưa quan tâm cây hồi lắm đâu. Giờ thì nhà nào trong thôn cũng có 2 - 3 máy cắt cỏ để chăm sóc hồi. Nhà tôi có 3 héc-ta hồi, vụ vừa rồi thu hoạch cũng được hơn 100 triệu đồng”. Ông Can chỉ là một trong số hàng trăm hộ trúng vụ do giá hồi năm 2019 tăng cao, với 30.000 đồng/kg hồi xanh, hồi khô là 135.000 đồng/kg. Giá hồi tăng cao đã khiến cho người trồng hồi rất vui vì trồng hồi không phải đầu tư chăm bón gì, thi thoảng chỉ cần làm cỏ cho rừng hồi, nên chi phí khá thấp.

Người trồng hồi sẽ phải làm quen với cách thức canh tác và bảo quản mới để có sản phẩm hồi chất lượng

Người trồng hồi sẽ phải làm quen với cách thức canh tác và bảo quản mới để có sản phẩm hồi chất lượng

“Vụ hồi năm 2019, có bao nhiêu hồi thương lái Trung Quốc mua hết, còn tranh nhau mua cả hồi xấu. Thậm chí có lúc độ ẩm của hồi lên tới 70% họ vẫn mua” – chị Ma Thị Tét – thương lái chuyên gom hồi ở xã Đề Thám cho hay.

Có thâm niên hơn 10 năm thu mua hồi, chị Ma Thị Tét nhớ khá rõ sự bấp bênh của giá hồi ở Tràng Định mấy năm gần đây. Năm nào sản lượng hồi thu được thấp, thương lái Trung Quốc sẵn sàng tăng giá cao để gom cho đủ hàng, bất chấp chất lượng. Vậy nhưng mùa sau, nếu nguồn cung dư thừa, thì cũng chính những thương lái này hoặc mua rất rẻ hoặc không sang mua, mặc cho người trồng hồi thấp thỏm, lo lắng.

Để hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, 2 năm trở lại đây, chị Ma Thị Tét cùng một số thương lái ở Tràng Định cũng đã tìm đến những công ty quế hồi của Việt Nam để chào bán hồi với mong muốn sẽ có được giá bán ổn định; trong đó có Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế - hồi Việt Nam (Vina Samex).

“Tôi cũng đã 2 lần gửi mẫu hồi lên mời Vina Samex nhưng đều không đạt yêu cầu. Nay hay tin công ty sắp mở nhà máy tại Tràng Định, tôi và các thương lái cũng đang băn khoăn không biết việc thu mua hồi tới đây sẽ thế nào?” - chị Tét lo ngại. Trước băn khoăn của chị Tét, chị Phương Liên – Trưởng phòng quản lý chất lượng Vina Samex, cho hay: Hơn 90% sản phẩm hồi của Vina Samex là làm nguyên liệu để xuất khẩu. Chính vì vậy, đầu vào nguyên liệu đòi hỏi chất lượng phải đảm bảo. Đây cũng là lý do để năm 2019, Vina Samex xây dựng các vùng hồi hữu cơ ở xã Đề Thám, đồng thời tổ chức 6 lớp đào tạo cho các hộ nông dân canh tác, bảo quản, vận chuyển quế - hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. “Hiện tại, hồi của đồng bào ở Tràng Định chủ yếu thu hái và cho vào các bao tải đựng phân bón, cám gạo tận dụng lại, sau đó sấy bằng củi nên chưa đảm bảo yêu cầu. Tới đây, chúng tôi sẽ phát cho bà con bao tải mới và thu mua hồi xanh để về chế biến, bảo quản tại nhà máy nhằm có được những sản phẩm hồi có chất lượng cao nhất” – chị Liên khẳng định.

Yêu cầu của Vina Samex có thể được xem là “khắt khe” với người trồng hồi và các thương lái thu mua hồi ở Tràng Định – vốn vẫn làm theo kiểu tự phát, với thiết bị thô sơ. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Vina Samex, công ty xác định giúp bà con sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao, có thu nhập ổn định. Vì vậy, công ty sẽ đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình chăm sóc, thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả với các thương lái đang thu mua hồi để bán cho thị trường Trung Quốc, chị Huyền cũng mong muốn các thương lái này cùng hợp tác để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giảm sự phụ thuộc vào thị trường này.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-toi-giam-phu-thuoc-vao-thi-truong-trung-quoc-132256.html