Hướng tới dịch vụ công không tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực công nhờ sự vào cuộc tích cực và bền bỉ của các bộ, ngành và hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua.

Khách hàng tìm hiểu các giải pháp thanh toán hiện đại của ngân hàng. Ảnh: N.H

Khách hàng tìm hiểu các giải pháp thanh toán hiện đại của ngân hàng. Ảnh: N.H

Chuyển biến tích cực
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, 95% số thu hải quan đã được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp (DN) đăng ký nộp thuế điện tử. Cùng với đó, 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã phối hợp thu tiền điện, giúp doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng đạt tới gần 90%. Trong lĩnh vực y tế, 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân – Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua ngành Thuế đã triển khai toàn diện hạ tầng cơ sở cho hoạt động quản lý thu, quản lý giao dịch trực tuyến và các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho TTKDTM. Qua đó, tính đến cuối năm 2019, Tổng cục thuế đã kết nối được với 53 ngân hàng, phối kết hợp với 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế. Kết quả, tính đến 31/12/2019 có trên 755.000 DN nộp thuế điện tử trên tổng số 757.533 DN đang hoạt động, tương ứng tỷ lệ 99%. Số tiền thuế đã được nộp qua phương thức điện tử trong năm 2019 cũng đạt trên 700.000 tỷ đồng.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, việc triển khai TTKDTM được bắt đầu từ năm 2005 qua việc ký kết phối hợp với 4 ngân hàng lớn là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Đến năm 2017, EVN không còn duy trì lực lượng thu ngân đến nhà dân và mở rộng hợp tác với trên 30 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu tiền điện. Hiện các quầy giao dịch, điểm thu tiền chỉ duy trì ở các vùng nông thôn, biên giới hải đảo và vùng xa xôi, còn tại các thành phố, EVN đã cơ bản thực hiện thu qua ngân hàng và trung gian thanh toán.
Ông Lâm cho biết, vào thời điểm năm 2015, khi EVN áp dụng hóa đơn điện tử thì việc thu qua ngân hàng và trung gian thanh toán chỉ chiếm 14,8% lượng hóa đơn. Đến năm 2019, tỷ trọng thu qua ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán đã tăng lên gần 64% về hóa đơn và trên 81% về số tiền. Riêng về TTKDTM, số lượng hóa đơn chiếm gần 55% và tiền điện chiếm trên 72% về tiền điện (9% còn lại là khách hàng mang tiền mặt tới nộp tại ngân hàng).
Tại TPHCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện 80% trường học ở TPHCM không dùng tiền mặt khi thanh toán học phí. Trong đó 400 trường học công tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng. Tỷ lệ này cũng đã đạt 50% trong lĩnh vực y tế với nhiều bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng đã áp dụng phương thức thanh toán điện tử.
Đối với các ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, bên cạnh những hoạt động thu dịch vụ công như viễn thông, điện, nước, Sacombank cũng đã triển khai khá thành công trong lĩnh vực giáo dục. Được khởi động từ 6 năm trước, đến nay Sacombank đã triển khai được hơn 300 trường học, phát hành hơn 20.000 thẻ và hàng trăm ngàn lượt thanh toán.
Ngân hàng VietinBank đang cung ứng dịch vụ tài chính cho hơn 400 bệnh viện trong tổng số hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc. Trong đó cung cấp dịch vụ giải pháp thanh toán cho khoảng 130 bệnh viện, trong đó có 30 bệnh viện quy mô hàng đầu cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Tai mũi họng Trung ương, Từ Dũ, Đại học Y dược TPHCM… Việc triển khai giải pháp thanh toán tại bệnh viện đã giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân giảm thời gian xếp hàng thăm khám bệnh cũng như thanh toán viện phí. Các bệnh viện cũng giảm tải nhân lực trong công tác thu ngân...
Tiếp tục thúc đẩy
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công vẫn còn một số điểm nghẽn. Cụ thể, theo bà Lý Thị Hoài Hương, trong khi việc thu nộp thuế đối với DN đã có bước tiến lớn thì đối với cá nhân lại gặp một số khó khăn do rào cản về thói quen của người nộp thuế, ngại tiếp xúc công nghệ, do đó tỷ lệ người nộp thuế điện tử là cá nhân chưa cao. Về phía cơ quan Nhà nước, một số cơ quan chưa sử dụng chứng từ điện tử trong hồ sơ, gây khó khăn trong việc triển khai thanh toán điện tử.
Hiện ngành thuế đã triển khai việc nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà trên toàn quốc từ năm 2019 và đang thí điểm việc nộp thuế điện tử đối với hoạt động đăng ký ô tô xe máy tại Hà Nội và TPHCM, với 7 ngân hàng tham gia phối hợp thu. Bà Hương cho hay, thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ thí điểm sử dụng mã ID của người nộp thuế để thực hiện nộp lệ phí trước bạ. Mã ID này là công cụ tạo đơn giản hóa trong luân chuyển giữa các cơ quan, tạo thuận lợi cho người nộp thuế nộp qua các kênh ngân hàng và sẽ tiến tới sử dụng 1 ID chung cho các khoản thu nộp thuế.
Trong khi đó, ông Võ Quang Lâm cho biết, trong năm 2020, EVN sẽ đẩy mạnh số hóa, kết nối nền tảng tích điểm chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ để khách hàng trải nghiệm trên nền tảng số. Theo đó, ngành điện sẽ làm việc với các ngân hàng, trung gian thanh toán để thay thế các điểm thu của điện lực. Ngoài ra, EVN khuyến khích khách hành mở mới tài khoản và đăng ký trích nợ tự động tại tất cả các điểm giao dịch của điện lực, nhất là khách hàng mới đều sử dụng dịch vụ trích nợ tự động để thanh toán. Trong tương lai, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua cổng dịch vụ công quốc gia, qua QR Code, qua Mobile Money...
Ở góc độ ngân hàng, ông Đàm Hồng Tiến, Giám đốc khối bản lẻ của VietinBank cho rằng, để thúc đẩy TTKDTM trong các bệnh viện, ngành y tế cần đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin chung cho toàn ngành, để các bệnh viện có cơ sở dữ liệu y tế trong toàn quốc. Hiện mỗi bệnh viện có một mã bệnh nhân định danh khác nhau. Do đó, khi tới mỗi bệnh viện khác nhau bệnh nhân lại phải sử dụng một thẻ thanh toán khác nhau. “Nếu có cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia thì chỉ cần một thẻ chung thì người bệnh có thể sử dụng chiếc thẻ này để đi khám bệnh ở các bệnh viện trên cả nước” – ông Đàm Hồng Tiến đánh giá.
Theo kế hoạch năm 2020, UBND TPHCM sẽ làm việc với các sở ngành để tiếp tục thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực công, đặc biệt tại những ngành chưa triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định các dịch vụ công tại TPHCM sẽ không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 22 của Chính phủ, từ đó hướng tới xã hội không tiền mặt, tạo nền tảng xây dựng thành phố thông minh theo định hướng đã được đề ra.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/huong-toi-dich-vu-cong-khong-tien-mat-128933-128933.html