Hướng tới cho vay tiêu dùng phát triển bền vững

Nhiều nước trên thế giới khi phát triển cho vay tiêu dùng họ xác định đây là hình thức vay ngắn hạn với các khoản vay nhỏ nhằm giải quyết nhu cầu chi tiêu tức thời, thiết yếu của người dân. Ở Việt Nam lĩnh vực này đã và đang phát triển ra sao để khai thác tiềm năng nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững.

Nhiều tiềm năng

Đối với nhiều quốc gia, cho vay tiêu dùng được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất của nền kinh tế. Chẳng hạn như tại Mỹ, theo TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, hoạt động cho vay tiêu dùng tại quốc gia này rất phát triển.

Ảnh minh họa

Nếu như năm 1996 dư nợ của mảng hoạt động này tại Mỹ chỉ là hơn 1.200 tỷ USD thì đến năm 2016 dư nợ đã tăng lên đến 4.100 tỷ USD, tăng 3,4 lần trong vòng 2 thập kỷ.

Sự phát triển này đến từ việc các cá nhân/hộ gia đình Mỹ luôn mong muốn có một lượng tài chính hỗ trợ từ bên ngoài để thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu cuộc sống của mình. Đặc biệt với tâm lý không ngại vay mượn của người Mỹ nên lượng cầu về vay tiêu dùng ngày càng gia tăng.

Không chỉ so với Mỹ mà ngay như so với các nước trong khu vực như Đông Nam Á thì lĩnh vực cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn với quy mô chỉ xấp xỉ 43 tỷ USD tại thời điểm cuối 2017.

Sau khi triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 hàng loạt các công ty tài chính được cơ cấu lại theo hình thức mua bán sáp nhập đã giúp khu vực tài chính tiêu dùng tăng trưởng theo chiều hướng tích cực.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), hiện nay dư nợ tín dụng tiêu dùng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên 36% so với số dư nợ tại thời điểm đầu năm 2017.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, dù cho vay tiêu dùng có xu hướng nhích lên nhưng tỷ trọng vẫn thấp so với các nước khác. Đặc biệt, nếu tính cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính thì chỉ khoảng 2% tổng dư nợ toàn ngành, phần lớn thị phần hiện vẫn thuộc về khối các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh hơn và kinh nghiệm phát triển lâu đời hơn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2017, thì trên 58% người trưởng thành tại Việt Nam chưa được tiếp cận tín dụng, trong khi con số này của Thái Lan chỉ là 47%.

Các yếu tố này cho thấy tiềm năng cho vay tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay là khá lớn khi dân số còn trẻ, có nhu cầu chi cho các khoản tiêu dùng và chưa có lịch sử tín dụng với các tổ chức tín dụng.

Khung pháp lý sẽ dẫn dắt thị trường

Thực tế cho thấy, sự đóng góp của cho vay tiêu dùng đối với nền kinh tế là không nhỏ, nó hỗ trợ cho người vay, giúp nhiều hộ gia đình công nhân tích lũy tài sản, chi tiêu thông minh nhất. Ví như hai vợ chồng cùng làm công nhân ở khu công nghiệp, có tổng thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, nếu muốn mua 1 chiếc xe máy có giá 15 triệu đồng thì phải tiết kiệm trong thời gian rất lâu mới có thể mua được.

Tuy nhiên, khi tìm đến tín dụng tiêu dùng họ sẽ được sở hữu ngay chiếc xe máy mình cần và chỉ việc tích lũy trả dần bằng chính thu nhập của họ. Về mặt vi mô, điều này đã tác động tích cực tới việc tích lũy tài sản, khiến cho việc chi tiêu có kế hoạch hơn, thông minh hơn trong cơ chế thị trường.

Một điểm nữa, được các chuyên gia tài chính ngân hàng chỉ ra là Việt Nam hiện nay có quy mô dân số trên 96 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ với 70% nằm trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi là những yếu tố rất thuận lợi thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Hiện nay, về mặt hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng đã rất rõ ràng. Cụ thể, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định riêng về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng.

Trong đó, NHNN cũng yêu cầu phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN... Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động TCTD; đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật (trong đó bao gồm minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp...); Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Gần đây NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường giám sát với hoạt động cho vay tiêu dùng. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng với sự chỉ đạo sát sao từ cơ quan quản lý, cùng khung pháp lý đã và đang tiếp tục hoàn thiện sẽ tạo cơ hội cho vay tiêu dùng phát triển bền vững với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Mai Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/huong-toi-cho-vay-tieu-dung-phat-trien-ben-vung-78386.html