Hướng tới bầu cử, Ngoại trưởng Mỹ đang có hành động kép hỗ trợ Tổng thống Trump

Ngoại trưởng Mike Pompeo đang có chuyến công du tới Trung Đông, người đầu tiên trong số hai quan chức cấp cao của Mỹ tới đây trong tuần này.

Ông Pompeo đang công du đến Israel, một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Sudan và sẽ không trực tiếp có mặt trong Đại hội Đảng Cộng hòa hôm thứ ba – sự kiện sẽ đề cử ông Trump đại diện cho đảng tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.

Phá vỡ truyền thống lâu năm

Tuy nhiên, ông Pompeo đã lên kế hoạch có một bài phát biểu trong Đại hội này và hiện chưa rõ ông sẽ xuất hiện bằng video từ xa hoặc bằng một đoạn băng được ghi lại. Cả 2 điều này đều phá vỡ truyền thống lâu năm của các ngoại trưởng Mỹ là không công khai tham gia vào quá trình đề cử chính trị của các đảng.

Theo AP, sự xuất hiện của ông Pompeo trong Đại hội đảng Cộng hòa cũng là một bước đi chưa từng có đối với bất kỳ thành viên nội các nào, chứ chưa nói đến ngoại trưởng, người dẫn đầu hoạt động của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có tư tưởng phi đảng phái.

Ông Pompeo đang có nhiều động thái hỗ trợ hết sức mình để tạo vị thế cho ông Trump trước thềm bầu cử. Ảnh: AP.

Ông Pompeo đang có nhiều động thái hỗ trợ hết sức mình để tạo vị thế cho ông Trump trước thềm bầu cử. Ảnh: AP.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo sẽ phát biểu với "tư cách cá nhân".

"Không có nguồn lực nào của Bộ Ngoại giao sẽ được sử dụng. Nhân viên không tham gia vào việc chuẩn bị bài phát biểu hoặc sắp xếp cho sự xuất hiện của Ngoại trưởng Pompeo. Bộ Ngoại giao sẽ không chịu bất kỳ chi phí nào liên quan đến sự xuất hiện này", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

Giống như hai người tiền nhiệm John Kerry và Hillary Clinton, cả hai đều không thành công khi tranh cử tổng thống, ông Pompeo từng là thành viên Quốc hội trước khi gia nhập cơ quan hành pháp. Nhưng khác với Pompeo, cả bà Clinton và ông Kerry đều né tránh Đại hội đảng Dân chủ khi họ là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

Khi Tổng thống Barack Obama chính thức được đề cử nhiệm kỳ thứ hai trong đại hội đảng năm 2012, bà Clinton đã ở cách xa nửa vòng trái đất, đến quần đảo Cook, Indonesia, Trung Quốc, Đông Timor, Brunei và vùng viễn đông nước Nga. Khi bà Clinton được đề cử vào năm 2016, ông Kerry đã đi châu Âu và Đông Nam Á.

Không chỉ đảng viên Dân chủ hành động như vậy. Khi đảng Cộng hòa đề cử ông John McCain vào năm 2008, Ngoại trưởng Condoleezza Rice lúc đó có chuyến công du tới Bồ Đào Nha, Libya, Tunisia, Algeria và Morocco.

Vào chủ nhật, ông Pompeo đã tweet: "Mong được chia sẻ với các ngài cách gia đình tôi AN TOÀN hơn và BẢO ĐẢM hơn vì có Tổng thống Trump. Hẹn gặp lại tất cả các ngài vào tối thứ ba! "

Tăng cường vị thế cho chính quyền Trump tại Trung Đông

Còn trong chuyến đi lần này, ông Pompeo có thể sẽ tăng cường quảng bá chính sách Trung Đông của ông Trump và tận dụng tiếng vang từ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ gần đây do Mỹ làm trung gian giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Ngoài Israel và Sudan, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo sẽ tới Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE. Các quan chức Mỹ cho hay Ngoại trưởng nước này cũng có thể dừng chân tại Oman và Qatar.

"Cam kết của Hoa Kỳ đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở Israel, Sudan và giữa các nước vùng Vịnh chưa bao giờ mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố thông báo về chuyến đi của ông Pompeo.

Để đẩy nhanh mục tiêu này tại Trung Đông, ông Jared Kushner, cố vấn cấp cao kiêm con rể của ông Trump cũng sẽ có chuyến thăm tới đây vào cuối tuần. Kushner và nhóm của ông ấy dự kiến sẽ đến thăm Israel, Bahrain, Oman, Saudi Arabia và Morocco trong chuyến công du khởi hành vào cuối tuần, theo các nhà ngoại giao Mỹ, những nguồn tin đề nghị giấu tên vì hành trình chưa hoàn thiện và chưa công bố công khai.

Tại Israel, ông Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu "để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực liên quan đến những ảnh hưởng xấu của Iran, thiết lập và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của Israel trong khu vực, cũng như hợp tác trong việc bảo vệ nền kinh tế Mỹ và Israel khỏi các nhà đầu tư xấu", theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Các nhà đầu tư xấu" này có thể là ám chỉ đến Trung Quốc, nước đang tìm cách giành được chỗ đứng thương mại ở Israel.

Ở Khartoum, ông Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok "để thảo luận về sự tiếp tục hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với chính phủ chuyển tiếp dân sự và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Sudan - Israel", cơ quan này cho biết. Sudan mong muốn được Mỹ đưa ra khỏi danh sách nhà nước bảo trợ khủng bố và bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ là một bước tiến tới mục tiêu đó.

Cả chuyến đi của ông Pompeo và ông Kushner đều không dự kiến sẽ có những thông báo đột phá ngay lập tức, nhưng cả hai hành trình này đều nhằm mục đích tiếp tục phát triển sự thành công của thỏa thuận Israel - UAE bằng cách hoàn tất ít nhất một thỏa thuận bình thường hóa giữa các nước Ả Rập và Israel trong thời gian tới.

Thỏa thuận Israel và UAE ngày 13/8 là một chiến thắng chính sách đối ngoại quan trọng đối với ông Trump khi ông hướng đến việc tái đắc cử cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Bên canh đó, thỏa thuận này cũng phản ánh một Trung Đông đang thay đổi, khi những lo ngại về đối thủ không đội trời chung Iran đã vượt qua sự ủng hộ truyền thống của thế giới Ả Rập đối với người Palestine.

Tuần trước, chính quyền Mỹ đã có một bước đi gây tranh cãi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi tìm cách khôi phục lại tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran. 13 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Đức, đã bác bỏ động thái này.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/huong-toi-bau-cu-ngoai-truong-my-dang-co-hanh-dong-kep-ho-tro-tong-thong-trump-20200824155758657.htm