Hướng thoát nghèo từ trồng ớt theo chuỗi giá trị nông nghiệp

Mô hình trồng ớt thay thế những ruộng ngô cho năng suất thấp trước đây đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) nâng cao thu nhập, mở hướng thoát nghèo bền vững. Ðây chính là hiệu quả sau 5 năm thực hiện dự án 'Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp'.

Mô hình trồng ớt giống Hàn Quốc cho thu nhập cao được nhân rộng tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

Mô hình trồng ớt giống Hàn Quốc cho thu nhập cao được nhân rộng tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

Mô hình trồng ớt thay thế những ruộng ngô cho năng suất thấp trước đây đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) nâng cao thu nhập, mở hướng thoát nghèo bền vững. Ðây chính là hiệu quả sau 5 năm thực hiện dự án "Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp".

Dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp Tập đoàn Cheil Jedang (CJ) tài trợ 1,8 triệu USD cho thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn. Khởi động từ tháng 5-2014, dự án "Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp" tỉnh Ninh Thuận được triển khai đồng bộ, gồm: đầu tư hạ tầng, xây dựng mô hình sản xuất, nâng cao kỹ thuật cho người dân; xây dựng cơ sở chế biến nông sản, cải thiện môi trường… Mô hình trồng ớt Hàn Quốc là một trong số các tiểu dự án của chương trình, ban đầu được thực hiện thí điểm tại hai hộ với diện tích sáu sào (6.000 m2), nhằm hỗ trợ người dân vùng dự án vươn lên thoát nghèo bền vững. Sau hơn một năm trồng khảo nghiệm, ớt cho thu hoạch đạt chất lượng. Ðến năm 2018, 34 xã viên của hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Tầm Ngân tham gia trồng ớt với tổng diện tích lên đến 12 ha. Ngoài việc cung cấp giống, phân bón, Tập đoàn CJ còn cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt theo hướng sản xuất hiện đại cho nông dân. Thông qua HTX, Tập đoàn CJ đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 11 nghìn đồng/kg. Sau khi thu hoạch, đưa ớt tươi đến xưởng sơ chế thành ớt bột. Mỗi năm, cung cấp khoảng 500 tấn ớt bột cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo người dân, giống ớt Hàn Quốc đang trồng sinh trưởng nhanh hơn những cây hoa màu khác. Sau ba tháng cho thu hoạch năng suất cao, trừ các khoản chi phí, bình quân lãi ít nhất từ 12 đến 14 triệu đồng/sào/vụ. HTX đã mua sắm nông cụ, máy cày, máy xới để làm dịch vụ và hỗ trợ xã viên vay vốn khuyến nông với lãi suất thấp. Ông Da Droách Ha Khiết, Giám đốc HTX Dịch vụ Tầm Ngân cho biết: "Với lợi nhuận khá từ dự án đem lại, sắp tới, chúng tôi sẽ vận động thêm xã viên nhân rộng mô hình trồng ớt để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả hơn". Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Ðoàn Nhật Vương, trước đây, phần nhiều diện tích vườn rẫy của xã viên HTX Dịch vụ Tầm Ngân trồng ngô cho năng suất thấp. Ðến mùa giáp hạt, người dân khó tránh khỏi tình trạng thiếu ăn, phải trông chờ gạo cứu đói của Chính phủ. Ðến nay, dự án trồng ớt đã góp phần cải thiện đời sống của bà con.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, việc triển khai dự án "Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp" mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua dự án này, Ninh Thuận có thêm kinh nghiệm về cách tổ chức, triển khai về xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Nguyễn Trung

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/39639602-huong-thoat-ngheo-tu-trong-ot-theo-chuoi-gia-tri-nong-nghiep.html