Hương Sơn phát triển các sản phẩm chủ lực thành sản phẩm OCOP

Sau khi tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những đặc sản nông nghiệp của huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) từng bước tăng lợi nhuận, nâng tầm giá trị...

Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Hương Sơn được trưng bày tại cửa hàng nông sản, sạch ở thị trấn Phố Châu

Khẳng định thương hiệu

Hương Sơn là huyện miền núi có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như nhung hươu, mật ong, cam bù... Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ khai thác ở dạng thô, chưa qua sơ chế, chế biến, không có bao bì, nhãn mác... dẫn đến thị trường bấp bênh, kinh doanh thiếu bền vững.

Sau khi tham gia chương trình OCOP vào năm 2019 , toàn huyện hiện có 18 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Đây thực sự là bước ngoặt tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú nâng tầm giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm rượu nhung hươu của Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà.

Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà ở thôn 3, xã Sơn Giang tham gia Chương trình OCOP đầu tiên của huyện. Hiện doanh nghiệp đã có 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao: nhung hươu tươi thái lát, khô xay bột, rượu nhung hươu đang được khách hàng tin dùng.

Bà Chu Thị Hồng Hà – Giám đốc doanh nghiệp nhung hươu Thuận Hà chia sẻ: Trước đây, khi chưa tham gia chương trình OCOP, doanh nghiệp chỉ có duy nhất sản phẩm nhung hươu tươi, doanh thu hết sức bấp bênh, thị trường bó hẹp, khó cạnh tranh. Sau khi tham gia OCOP, doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ vào chế biến nhung hươu.

Nhung hươu tươi được chế biến thành các sản phẩm nhung khô xay bột , nhung tươi thái lát, có bao bì, nhãn mác, nâng tầm giá trị

“Những sản phẩm mới ra đời có bao bì, nhãn mác đầy đủ đã “kích thích” người tiêu dùng, thị trường rộng khắp cả nước. Từ đó, doanh thu ngày càng tăng cao. Chỉ tính 2 tháng gần đây, doanh nghiệp thu về hơn 500 triệu đồng, lãi hơn 100 triệu đồng, tăng 12% so với trước.” – bà Hà phấn khởi nói.

Sản phẩm mật ong rừng của Hợp tác xã Mật ong Cường Nga mang lại doanh thu cao...

Từ mật ong nút lá chuối, loay hoay với thị trường tiêu thụ nhưng sau khi tham gia OCOP, mật ong rừng của HTX Mật ong Cường Nga ở thôn 5, xã Quang Diệm đã xây dựng được thương hiệu.

...nhờ đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cho biết, được tỉnh và huyện tư vấn, hỗ trợ mua máy hạ thủy phần diệt men, nấm…, sản phẩm mật ong rừng của HTX đồng đều, đặc sánh, chất lượng tốt, bao quản được lâu hơn. Nhờ đó, doanh thu của HTX tăng gấp 3 lần so với trước.

Vào mùa khai thác (3 tháng đầu năm nay), HTX bán ra thị trường gần 2.500 lít mật, doanh thu 1 tỷ đồng, tăng 11%, lợi nhuận 145 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động tại địa phương.

Nem chua Ý Bình ở thị trấn Phố Châu là một trong những sản phẩm OCOP của huyện tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh

Phát triển gắn với sản phẩm lợi thế

Bà Uông Thị Kim Yến – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho rằng: Hương Sơn có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao như: Hươu, dê, gà, mật ong, chè xanh, lạc, đậu, các loại cây ăn quả có múi...

Nuôi hươu sao lấy nhung ...

Qua rà soát, Hương Sơn có thể phát triển hàng trăm sản phẩm thành sản phẩm OCOP. Đây là điều kiện thuận lợi, tiền đề cho phát triển kinh tế nông thôn của huyện.

“Toàn huyện hiện có 80 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình OCOP. Qua đó, huyện đang tập trung với mục tiêu xây dựng thêm 10-15 cơ sở sản xuất, chế biến nhung hươu, nai; 10 cơ sở chế biến mật ong; 5 cơ sở sản xuất, chế biến gà đồi đạt chuẩn và các sản phẩm chế biến từ cây có múi: cam, bưởi sấy dẻo, mứt... gắn với sản phẩm lợi thế của địa phương” – bà Yến thông tin.

...và cam là sản phẩm chủ lực đang được huyện tiếp tục xây dựng thành các sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh tư liệu

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện thành các sản phẩm OCOP là rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở.

“Huyện cũng sẽ nghiên cứu có chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt ưu tiên áp dụng KH&CN chế biến sâu các sản phẩm và xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra sản phẩm nhằm phát triển hiệu quả, bền vững” – ông Hưng nói.

Hữu Trung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/huong-son-phat-trien-cac-san-pham-chu-luc-thanh-san-pham-ocop/196377.htm