Hương Sen tháng Năm

Mỗi dịp tháng Năm về, làng Sen quê Bác dường như đông đúc hơn bởi những dòng người về thăm. Đó là một trong những điểm đến mà ai cũng muốn được một lần ghé thăm khi đến với mảnh đất Nghệ An, là nơi mà những người con đất Việt luôn hướng về Bác với một tấm lòng thành kính nhất.

Đi trên con đường dẫn vào ngôi nhà tuổi thơ của Bác, lòng như lắng lại, bồi hồi xúc động trào dâng. Cảnh làng quê yên bình mộc mạc với hàng rào râm bụt, nhà tranh vách nứa đơn sơ, tất cả vẫn còn đó, nhưng Bác và những người thân nay đã đi xa.

Sau 50 năm xa cách quê nhà, bôn ba đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, làm cách mạng đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, Người chỉ trở về thăm quê được hai lần. Lần đầu tiên là mùa hè năm 1957 và lần cuối cùng vào mùa đông năm 1961. Ngày 9-11-1950, khi anh trai Bác mất, Bác cũng không về được. Đọc những lời của Bác tại Nhà lưu niệm trong khu di tích Kim Liên khiến cho lòng người không khỏi xúc động, thấm thía trước những hy sinh mà Bác phải trải qua: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

 Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích Kim Liên.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích Kim Liên.

Thăm ngôi nhà Bác ở thời niên thiếu, hình ảnh làng quê yên bình, hiện ra trước mắt với mái nhà tranh vách nứa, những vật dụng đã nhuốm màu thời gian, khoảng sân và thửa vườn... tất cả như vẫn còn đó bóng hình của Bác, có gì đó rất đỗi thân thương trong từng kỷ vật, chợt không thể ngăn những xúc cảm bùi ngùi trào dâng.

Ngôi nhà đó được xây dựng lên từ tấm lòng tôn kính của bà con trong làng đối với người cha kính yêu của Bác. Trong khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đỗ Phó Bảng. Lần đầu tiên ở làng Sen có người đỗ đạt cao. Trước niềm vinh dự đó, người dân nơi đây đã trích mảnh đất rộng khoảng 2500m2 để dựng lên một ngôi nhà năm gian bằng gỗ, lợp tranh lá mía và mời gia đình ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc về ở. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Thuyết, người anh trai cùng cha khác mẹ với ông Nguyễn Sinh Sắc cũng đã chuyển ngôi nhà ngang của mình sang làm nhà bếp cho em. Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách. Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh, người chị cả của Bác. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình. Trong gian thứ năm chỉ kê vỏn vẹn một bộ phản, cũng là nơi nghỉ ngơi của hai anh em, ông Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung-tên Bác Hồ thủa nhỏ. Ngôi nhà đã chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của Bác, cũng là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Người.

Những hiện vật đơn sơ, giản dị tại đây đã gắn bó nhiều kỷ niệm sâu sắc trong 5 năm tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây còn ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần về thăm. Ngôi nhà được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia năm 1990 và xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Những vật dụng trong ngôi nhà tuổi thơ của Bác đã nhuốm màu thời gian.

Kỷ vật về Bác được lưu giữ tại khu di tích lịch sử Kim Liên.

Đầu làng Sen có một hồ sen lớn, đi qua hồ sen là gặp giếng Cốc. Di tích giếng Cốc do ông Nguyễn Danh Cốc, người làng Sen đào cuối thế kỷ XVIII để lấy nước dùng nên người ta gọi là giếng Cốc. Trong những năm ở làng Sen, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường ra đây chơi và gánh nước về dùng. Trong lần về thăm quê đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi bà con: “Giếng Cốc nay còn nữa hay không? Nước giếng Cốc trong và ngọt nấu nước chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng cả vùng”.

Một di tích khác cũng gắn bó với tuổi thơ của Bác, đó là di tích lò rèn cố Điền. Lò rèn này do ông Hoàng Xuân Luyến, tên thường gọi là cố Điền dựng lên để rèn công cụ phục vụ bà con trong vùng. Thủa nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường sang đây giúp cố Điền đập đe, thụt bễ, nhặt sắt vụn làm đồ chơi và nghe bà con luận bàn việc nước, việc đời... Trong lần trở về thăm quê đầu tiên, Bác cũng hỏi bà con: “Trong này có lò rèn cố Điền, lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?” và Bác căn dặn: Nên tiếp tục rèn để bà con có công cụ mà sản xuất. Lò rèn cố Điền trở thành di tích lưu niệm về thời niên thiếu và hai lần về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Làng Sen đẹp như một bức tranh yên bình và như chính tâm hồn người dân nơi đây. Con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà khi xưa Bác ở, đôi bờ tre vẫn rì rào trong gió, hàng dâm bụt vẫn đung đưa nhè nhẹ, hoa cau, hoa bưởi, hương mít vẫn còn thơm nồng.

Mỗi dịp tháng Năm về, bước chân những người con đất Việt lại muốn tìm về với quê Bác, thăm lại nơi tuổi thơ Bác lớn lên để cảm nhận sâu sắc hơn về Bác, một con người đã sống một cuộc đời thanh tao, giản dị với một trái tim “suốt đời vì nước, vì dân”.

Làng Sen, bức tranh quê về không gian văn hóa lịch sử đặc sắc không những là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, mà còn niềm tự hào chung của mỗi người con đất Việt. Nơi ấy, một con người, một nhân cách vĩ đại đã được nuôi dưỡng, để giờ đây chúng ta vinh dự được gọi tên vị lãnh tụ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam: Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: TƯỜNG VY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/huong-sen-thang-nam-572287