Hương sắc hoa anh đào

Hoa anh đào, loài hoa 'quốc hồn, quốc túy' của Nhật Bản đang vào mùa nở rộ. Khoảng thời gian này, khắp nơi trên đảo quốc mặt trời mọc đều có sự hiện diện của hoa anh đào, loài hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm và chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa Nhật Bản.

Hoa anh đào rực hồng bên bờ một con kênh nhân tạo.

Hoa anh đào rực hồng bên bờ một con kênh nhân tạo.

Biểu tượng đất nước Nhật Bản

Nhật Bản là đất nước có bề dày truyền thống văn hóa. Nhắc đến Nhật Bản, người ta sẽ nhớ ngay đến các võ sĩ Samurai, các bộ trang phục Kimono, các cổng Torii, núi Phú Sĩ... và dĩ nhiên, loài hoa anh đào biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Mỗi bông hoa anh đào được xem như một cuộc đời của võ sĩ đạo Samurai. Bởi, hoa anh đào chỉ nở và tàn trong chưa đầy chục hôm, và dù hoa đã rụng xuống đất thì vẫn còn giữ được vẻ tươi nguyên và thoang thoảng hương thơm. Giống võ sĩ đạo, họ có thể hy sinh rất nhẹ nhàng, bình thản, đồng thời để lại tiếng thơm cho thế hệ sau.

Khung cảnh hoa anh đào phơn phớt hồng nở hai bên bờ kênh.

Hoa anh đào trong tiếng Nhật được gọi là Sakura. Cứ mỗi độ xuân về, tiết trời ấm áp, tuyết tan là lúc hoa anh đào chuẩn bị khoe sắc. Tùy từng nơi trên đất nước, hoa anh đào sẽ nở rải rác từ tháng 3 đến hết tháng 5, trong đó tháng 4 là thời điểm hoa nở rộ nhất. Là loài hoa được nâng niu, trân trọng nên hoa anh đào được trồng ở mọi nơi, từ các bìa rừng, công viên, trong thành phố, các con đường đến các khu nông thôn. Hoa anh đào có 2 màu chủ yếu là hồng và trắng, đôi khi là phấn hồng. Khi hoa bắt đầu nở thì lá rụng, nên cây chỉ thấy hoa không thấy lá. Hoa nở thành chùm, cả một chùm thường để đầy lên đôi bàn tay.

Người Nhật Bản rất yêu thích ngắm hoa, đặc biệt là hoa anh đào. Họ có cả lễ hội Hanami có nghĩa là lễ hội ngắm hoa anh đào nổi tiếng. Trong thời gian diễn ra lễ hội, người Nhật thường cố gắng sắp xếp công việc và tham gia lễ hội ít nhất 1-2 ngày.

Lễ hội Hanami độc đáo

Lễ hội ngắm hoa anh đào không có địa điểm và thời gian cụ thể. Bất kỳ nơi nào có hoa anh đào đều là nơi diễn ra lễ hội. Còn về thời gian, người Nhật lấy dấu mốc cây hoa anh đào ở đền Yasukuni (cố đô Kyoto) nở thì lễ hội chính thức bắt đầu. Người Nhật coi Hanami không chỉ là ngắm hoa mà còn là ngày hội của gia đình, bạn bè. Họ thường quây quần, tổ chức ăn uống với người thân, bạn bè dưới tán cây anh đào dọc khắp các bờ sông trên cả nước. Người Nhật còn quan niệm, nếu nâng chén rượu lên mà cánh hoa anh đào rơi đúng vào chén đó chính là báo hiệu điềm may mắn.

Một khóm hoa anh đào trắng nở trong bầu trời trong vắt.

Lễ hội Hanami bắt nguồn từ phong tục nghênh đón Thần Ruộng của người nông dân Nhật Bản. Sau mùa đông dài, thần về núi, mùa xuân đến thần trở lại cánh đồng cũng là lúc hoa anh đào bung nở. Người dân tổ chức lễ hội Hanami nghênh đón thần cùng với nguyện cầu mùa màng bội thu.

Tuy nhiên, lễ hội không phải ai cũng uống rượu. Rất nhiều người đã kết hợp thưởng trà và ngắm hoa anh đào. Ngoài ra tại lễ hội, người Nhật thường thưởng thức một số món ăn cổ truyền như bánh sakura mochi, cơm bento, sushi truyền thống hay nhâm nhi chút rượu sake. Thông thường, hoa anh đào ở Nhật Bản nở sớm ở các vùng phía Nam, vì có khí hậu ấm áp hơn, sau đó dịch chuyển dần lên phía Bắc. Vùng nở hoa anh đào cuối cùng thường là đảo Hokkaido.

Ở Nhật Bản, hoa anh đào có rất nhiều giống khác nhau. Hình dạng và màu sắc của các loài có ít nhiều khác biệt. Hiện nay, giống hoa anh đào Somei - Yoshino (có màu hồng nhạt) là giống anh đào được trồng phổ biến nhất xứ sở mặt trời mọc. Du khách có thể bắt gặp hoa anh đào Somei-Yoshino 5 cánh mang sắc hồng dịu dàng ở rất nhiều nơi trên khắp nước Nhật.

Hoa anh đào nở trên mọi miền đất nước Nhật Bản, tuy nhiên, du khách thường dồn về một số trung tâm như Tokyo, Kyoto hay Osaka. Lễ hội Hanami tuy là lễ hội truyền thống Nhật Bản, nhưng ai cũng có thể tham gia kể cả du khách nước ngoài và phải tuân thủ một số quy định bắt buộc.

NGUYỄN VĂN CÔNG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/huong-sac-hoa-anh-dao-104457.html