Hương sắc cố đô trên phố cổ Hà Nội

Tối 23/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc chuỗi Hoạt động văn hóa kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam với chủ đề 'Nét xưa'.

Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế đến từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân.

Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế đến từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân.

Thăng Long - Đông Đô và Phú Xuân - Huế là hai miền đất cổ đế Kinh. Hai miền đất văn hiến này là nơi hội tụ và lưu giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà trong đó có nhiều giá trị đã được UNESCO công nhận là di sản.

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa "Nét xưa", nhân dịp 15 năm (2003 – 2018) Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các tổ chức và cá nhân tổ chức chương trình “Hương sắc Cố đô” giới thiệu với khán giả Thủ đô và du khách quốc tế những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được gây dựng và lưu giữ trên đất Huế.

Theo Ban Tổ chức, từ ngày 23/11 - 02/12/2018, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội sẽ trưng bày hiện vật giới thiệu về mỹ thuật Huế, y phục xưa, một số hiện vật cổ có những nét đặc trưng và phong cách Huế và nhạc cụ Cung đình Huế, Nhạc khí Nhã nhạc Cung đình Huế.

Đông đảo du khách trong và ngoài nước đến dự lễ khai mạc "Nét xưa" và thưởng thức nhạc cung đình Huế.

Ngày 23/11/2018, tại tuyến phố đi bộ Đào Duy Từ: giới thiệu trình diễn giao lưu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc – Trung, của Nhà Thiết kế Trịnh Bích Thủy, Nhóm các nhà Thiết kế của Viện thời trang Adesinger HaNoi: Nguyễn Vân Anh, Đỗ Hương Ly, Nguyễn Hồng Ngọc.

Ngày 24/11/2018, tại Tầng 3, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội: Chương trình đặc biệt chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam với chủ đề “Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành”. Xứ Huế và Bắc Thành là hai trung tâm văn hóa của Việt Nam, với những nền âm nhạc đặc trưng tiêu biểu.

Huế là đất đế kinh của vương triều nhà Nguyễn, Bắc thành là tên gọi của đất Thăng Long, Đông Đô được đặt ra bởi Gia Long Hoàng Đế vào đầu thế kỷ 19. Nhã nhạc cung đình Huế đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Bắc thành với sự kế thừa văn hóa của Thăng Long – Đông Đô có vốn cổ âm nhạc đa dạng với các lối hát cửa đình, hát tuồng bắc, hát chèo, hát chầu văn và hát xẩm.

Buổi trình diễn âm nhạc của hai miền đất văn hiến mang tựa đề “Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành” là một món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và cũng là 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, nhằm giới thiệu tới khán giả Việt Nam và quốc tế những giá trị tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà ở đó nhiều bộ môn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: nhã nhạc cung đình Huế, hát ca trù, hát chầu văn…

Câu chuyện âm nhạc của xứ Huế và Bắc thành sẽ được thể hiện bởi những bậc thầy ca nhạc hai miền: giọng ca Huế trữ tình, quyền quý của nghệ nhân Thanh Tâm cùng hòa quyện với giọng ca Bắc của NSND Thanh Hoài, tiếng hồ xẩm ấm áp của NSND Xuân Hoạch cùng vang vọng với giọng nhị Huế trầm tư của nghệ nhân Trần Thảo…

Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế đến từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, phần nhạc cổ đồng bằng Bắc Bộ sẽ được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân của nhóm Đông Kinh cổ nhạc như NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSUT Kiều Oanh, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Mạnh Phóng, NSUT Thúy Ngần, NSUT Kim Liên với các bài tuồng bắc, ca trù, xẩm, chèo cổ, chầu văn.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-sac-co-do-tren-pho-co-ha-noi-83475.html