Hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, giải pháp trong thời gian tới của TP Hà Nội là tập trung nhân rộng các mô hình điểm về chuỗi liên kết chăn nuôi đã có hiệu quả trong thời gian qua.

Mặc dù là Thủ đô nhưng TP Hà Nội vẫn có điều kiện để phát triển chăn nuôi do có lợi thế về đất đai với nhiều vùng đồi gò, vùng ven sông thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò, nhiều vùng chiêm trũng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Hơn nữa tỷ lệ người dân sinh sống ở vùng nông thôn tại các huyện còn khá cao nên đã coi chăn nuôi là một nghề để phát triển kinh tế.

Hiện tại, đàn gia súc gia cầm của Hà Nội luôn đứng ở top đầu cả nước với đàn gia cầm khoảng 30 triệu con (đứng đầu cả nước), đàn lợn 1,87 triệu con (đứng sau tỉnh Đồng Nai), đàn trâu bò khoảng 180 ngàn con (bò sữa khoảng 15 ngàn con).

Để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững những năm qua TP Hà Nội đã có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi, nổi bật là chính sách hỗ trợ giống, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư; chính sách hỗ trợ vắc xin, hóa chất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, những năm qua với chính sách khuyến khích chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

 Mô hình chăn nuôi theo Chuỗi liên kết: Giải pháp hữu hiệu đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn và phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững tại Hà Nội (ảnh: TL)

Mô hình chăn nuôi theo Chuỗi liên kết: Giải pháp hữu hiệu đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn và phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững tại Hà Nội (ảnh: TL)

Điển hình, trong 3 năm qua (giai đoạn 2015-2018) TP Hà Nội đã xây dựng 11 mô hình phát triển chăn nuôi theo chuỗi liễn kết đã có kết quả rất tốt: Chuỗi gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây; chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai; chuỗi thịt lợn sinh học Liên Việt; chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; chuỗi thực phẩm AZ, chuỗi thực phẩm Greenfood; chuỗi thực phẩm 3F; chuỗi thực phẩm Tiên Viên; chuỗi thịt bò Hà Nội; chuỗi sữa Ba Vì.

Từ việc triển khai xây dựng 11 mô hình chuỗi giá trị và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội đến nay đã mở rộng được 26 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện (Giấy chứng nhận ATTP đối với cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế đóng gói; Hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP cho các sản phẩm của các chuỗi...).

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, đến thời điểm này, hàng ngày các chuỗi đang cung cấp cho thị trường khoảng 8,45 tấn thịt gia cầm; 29 tấn thịt lợn; 2,15 tấn thịt bò; 165 nghìn quả trứng; 79 tấn sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. Xây dựng được trên 20 cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của các mô hình chuỗi trên địa bàn TP Hà Nội trong đó tập trung chủ yếu tại các quận nội thành.

Bên cạnh đó xây dựng liên kết chuỗi còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước từ chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc; từ đó tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi, tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi với hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, giải pháp trong thời gian tới của TP Hà Nội là tập trung nhân rộng các mô hình điểm về chuỗi liên kết chăn nuôi đã có hiệu quả trong thời gian qua. Tiếp tục tạo điều kiện để các mô hình chuỗi phát triển hơn nữa, trong đó tập trung một số chuỗi về chăn nuôi lợn (như chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai; thịt lợn sinh học Liên Việt; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; chuỗi thực phẩm AZ ...) để đáp ứng sự hẫng hụt về thịt lợn khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn tới tổng đàn lợn của TP. Đồng thời đi sâu phát triển các chuỗi chăn nuôi bò thịt và gia cầm để tận dụng lợi thế sẵn có, tận dụng sản phẩm nông nghiệp, vùng bãi rất có điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng, chú trọng hơn nữa việc phát triển tạo ra các sản phẩm hữu cơ, sinh học.

“Chắc chắn với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các DN, người tiêu dùng, người chăn nuôi, các mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới để các sản phẩm chăn nuôi được cung cấp ra thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm và chăn nuôi được phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Nguyễn Ngọc Sơn tin tưởng.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-157006.html