Hướng phát triển mới của ngư dân Quảng Ninh

Nhằm phát triển theo hướng bền vững, giảm áp lực lên ngư trường, những năm gần đây, ngành Thủy sản Quảng Ninh chú trọng tăng diện tích, đầu tư công nghệ, giống mới, giá trị, tỷ trọng… cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS). Trong đó nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ đã và đang dần hình thành những nền tảng cơ bản để tạo nên dư địa phát triển mới, là hướng 'làm ăn lớn' của ngư dân Quảng Ninh.

Các lồng, bè NTTS bằng vật liệu HDPE đã khắc phục những nhược điểm của loại lồng, bè làm bằng gỗ, phao xốp.

Các lồng, bè NTTS bằng vật liệu HDPE đã khắc phục những nhược điểm của loại lồng, bè làm bằng gỗ, phao xốp.

Khoảng từ năm 2015 trở về đây, sản lượng, giá trị, tỷ trọng NTTS của Quảng Ninh tăng dần đều. Trong đó, năm 2018 đạt hơn 58.300 tấn, bao gồm: Trên 13.000 tấn tôm các loại, trên 30.000 tấn nhuyễn thể, gần 10.000 tấn cá nước ngọt và gần 6.000 tấn cá biển... tổng giá trị đạt đến gần 5.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, hầu hết sản lượng cá, tôm trên đều được nuôi tại đất liền (ao, đầm) và bãi triều ven biển... duy chỉ có cá biển được nuôi tại các vũng, vịnh trên biển, tuy nhiên cũng chủ yếu là các vũng, vịnh gần bờ. Ngoài ra còn có hoạt động nuôi, cấy ngọc trai ngoài biển (Vân Đồn), tuy nhiên sản lượng, giá trị rất nhỏ. Việc NTTS trên đất liền và gần bờ cũng đang cho thấy những tác động thiếu tích cực tới không gian, môi trường, quy hoạch, mục tiêu phát triển chung của tỉnh, đồng thời giá trị nhiều mô hình NTTS thật sự không lớn, doanh thu, lợi nhuận sau chi phí sản xuất chưa cao như mong đợi.

Trong khi đó, không gian để có thể tổ chức các hoạt động NTTS trên biển của tỉnh lại rất lớn. Bởi Quảng Ninh có đến trên 20.000ha eo biển kín gió, một thông số tuyệt vời cho nghề nuôi biển mà không phải địa phương nào cũng có được. Đấy là còn chưa tính đến 43.000ha rừng ngập mặn và 21.000ha chương bãi làm bãi đẻ, nuôi dưỡng phù du, làm sạch nguồn nước... có thể phụ trợ cho các vùng nuôi biển nói trên.

Nghề nuôi tôm nước lợ của Quảng Ninh hiện mang lại doanh thu gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm...

Xác định rất rõ thế mạnh của mình, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển. Việc lập quy hoạch NTTS chi tiết trên biển, kế hoạch phát triển nghề nuôi biển đang được các ngành chức năng tích cực triển khai. Mới nhất, tháng 6/2018, tỉnh đã chính thức hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam để xúc tiến đầu tư, đưa doanh nghiệp mạnh, công nghệ tiên tiến vào nuôi biển tại Quảng Ninh. Đến thời điểm này, Công ty TNHH Phúc Quang đã chính thức triển khai dự án nuôi cá biển công nghiệp tại khu vực hòn Bọ Cắn (Cẩm Phả) với quy mô 60ha, công nghệ hiện đại, giống cá giá trị cao, thị trường tiêu thụ lớn.

Đặc biệt, hiện nay dự án Hạ tầng sản xuất nhuyễn thể Vân Đồn đã hoàn thành, rất nhiều nhà đầu tư chỉ chờ tỉnh chốt phương án thu hút đầu tư để triển khai các dự án sản xuất giống nhuyễn thể. Qua đó sẽ kịp thời cung ứng cho thị trường tại chỗ, xóa điểm nghẽn về con giống nhuyễn thể cho người nuôi. Bên cạnh đó, một số dự án về nuôi biển từng được tỉnh triển khai thí điểm trước đây đã và đang cho thấy hiệu quả, có sức lan tỏa, được người dân nhân rộng. Cụ thể như mô hình sử dụng các lồng, bè nuôi làm bằng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường (ống nhựa HDPE) thay thế các lồng nuôi bằng các vật liệu thiếu bền vững (phao xốp, gỗ) tại Đầm Hà, Vân Đồn; mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm tại khu vực Vung Viêng (Vịnh Hạ Long)...

Vật liệu HDPE để làm lồng bè NTTS hiện khá thông dụng trên thị trường, có tuổi thọ đến hơn 35 năm, hoàn toàn chịu được các điều kiện khắc nghiệt trên biển, qua đó đảm bảo để sản xuất. Theo tính toán, 1 lồng HDPE chu vi 60m có thể nuôi đến 30 tấn cá mỗi vụ, đạt 100-200 tấn/năm tùy thuộc vào công nghệ nuôi. Riêng mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch của ngư dân khu vực Vung Viêng đang cho doanh thu cao gấp 2-3 lần so với mô hình NTTS đơn thuần trước đây, bên cạnh đó còn kết hợp gìn giữ, quảng bá văn hóa, vẻ đẹp của con người và thắng cảnh Hạ Long đến với du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo theo đúng định hướng của tỉnh.

...tuy nhiên, hạ tầng nuôi chủ yếu là các ao, đầm trên đất liền, ít nhiều gây những tác động bất lợi lên môi trường.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, việc đẩy mạnh tiến độ nghề nuôi biển tại Quảng Ninh tới đây sẽ như một xu thế phát triển tất yếu. Bởi nhu cầu về diện tích, không gian NTTS của ngư dân Quảng Ninh ngày càng lớn, nhất là trong điều kiện NTTS trên đất liền, các vùng nước gần bờ ngày càng bị hạn chế. Bên cạnh đó, hiện tỉnh đang thắt chặt, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng loại bỏ các vùng NTTS tự phát, chuyển đổi, thu hẹp các vùng NTTS kém hiệu quả để dành chỗ cho các quy hoạch kinh tế - xã hội khác... Theo kết quả rà soát mới đây, diện tích NTTS tự phát trên địa bàn tỉnh khá lớn, nhất là các vùng nuôi nhuyễn thể Vân Đồn, Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái.

Nghề nuôi biển đã và đang thành công tại nhiều tỉnh, thành của cả nước, nhất là vùng nuôi biển tập trung tại các vùng vịnh của tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang. Từ những tiền lệ đã có, kết hợp với những ưu thế đặc thù của tỉnh, nuôi biển Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển tương xứng, tạo nên sự đột phá cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, để làm được điều này, mấu chốt vẫn phải tạo được cơ chế khuyến khích đủ mạnh, tạo môi trường đầu tư, tiêu thụ sản phẩm ổn định và phải thu hút được những nhà đầu tư tiềm lực, có công nghệ, thiết bị phù hợp.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/huong-phat-trien-moi-cua-ngu-dan-quang-ninh-2434628/