Hướng phát triển bền vững cho cây mía ở miền núi phía Bắc

Năng suất mía ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đạt thấp nhất so với các vùng nguyên liệu khác. Nguyên nhân là do giống cũ, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.

Một trong những khó khăn lớn của người trồng là giá bán mía nguyên liệu thấp, trong khi thiếu hụt nguồn lao động, chi phí thuê nhân công cao.

Một trong những khó khăn lớn của người trồng là giá bán mía nguyên liệu thấp, trong khi thiếu hụt nguồn lao động, chi phí thuê nhân công cao.

Nếu không có giải pháp phát triển cây mía bền vững thì người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn, các nhà máy đường sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.

Khó trăm bề

Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển cây mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc”, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, niên vụ 2017-2018, cả nước có 274.300ha mía, năng suất bình quân đạt 65,1 tấn/ha, trong đó, diện tích mía đường nguyên liệu đạt 254.943ha, năng suất đạt 63,9 tấn/ha, sản lượng đạt gần 18 triệu tấn (tăng 500.000 tấn so với năm 2016). Ở miền Bắc có 2 vùng mía nguyên liệu chính là vùng Trung du miền núi phía Bắc (35.500ha), sản lượng đạt 2 triệu tấn và vùng Bắc Trung Bộ (xấp xỉ 54.000ha), sản lượng 3 triệu tấn.

Vùng nguyên liệu mía ở các tỉnh miền núi phía Bắc có năng suất thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước, bởi nhiều nguyên nhân như: giống mía cũ; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; người dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh, chưa áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật trong trồng và chăm sóc... Cùng với đó, giá đường xuống thấp, kéo theo giá mía nguyên liệu có xu hướng giảm nên người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn.

Ông Nguyễn Công Hàm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, năm 2018, vùng nguyên liệu mía của tỉnh đạt 8.098ha/10.386 ha, bằng 78% kế hoạch, năng suất 69 tấn/ha, giá mía nguyên liệu là 900 đồng/kg, doanh thu bình quân từ cây mía đạt 54,9 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người trồng mía còn lãi khoảng 35,2 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, việc đưa các giống mía mới vào sản xuất chưa được quan tâm; cơ cấu giống chủ yếu là giống chín sớm. Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế, mới thực hiện được trong khâu làm đất, vận chuyển, dẫn đến chi phí thu hoạch, bốc xếp tăng cao. Thu nhập từ trồng mía thấp hơn so với một số cây ăn quả nên nhiều vùng đã chuyển sang trồng cây có múi.

Ông Tạ Minh Hồng, ở thôn Quang Trung, xã Thái Sơn (Hàm Yên - Tuyên Quang), cho biết, từ năm 2015 trở lại đây, diện tích mía của người dân giảm đáng kể do giá bán thấp. Giá các mặt hàng đều lên nhưng riêng giá mía không lên dẫn đến người dân có xu hướng chuyển sang trồng một số cây khác có hiệu quả hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho biết, công ty đã trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ với gần 30.000 hộ dân, diện tích 7.500ha, với giá 900 đồng/kg, hợp đồng thực hiện trong 5 năm. Tuy nhiên, việc phát triển cây mía đang gặp khó do giá đường bán ra thấp, thiếu lực lượng lao động, giao thông đi lại không thuận lợi. Diện tích niên vụ mía năm nay giảm 1.000ha so với năm trước, trong khi nhà máy chỉ mới chạy khoảng 80% công suất.

Giải thích về giá đường trong nước luôn cao hơn giá đường ở nước ngoài khi đã nhập về Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dũng, giải thích, giá đường cao là do chi phí sản xuất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hóa còn thấp, trong khi diện tích thì nhỏ lẻ. Công ty đã ký hợp đồng thu mua mía của người dân nên khó thành lập vùng mía tập trung.

Ông Lê Quang Tuyền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cho biết, giống mía ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn là các giống cũ, canh tác lại manh mún. Do vậy, đã ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, hàm lượng đường. Cùng với đó, ở đây không phải là vùng mía tập trung nên ít được doanh nghiệp chú ý.

“Tại các nhà máy, đường bán với giá 12.000 đồng/kg, trong khi vào siêu thị là 20.000 - 21.000 đồng/kg. Chỉ vận chuyển, đóng chút thuế, doanh nghiệp “ăn” gần 1 nửa, trong khi người nông dân làm cả năm chỉ được hưởng lợi rất ít. Rồi nhà máy đường gặp khó khăn về đầu ra nên dòng lưu động vốn chậm, trong khi lãi suất ngân hàng cao, kéo theo chi phí cao, người ta tìm cách để bù chi phí, lúc này tất cả lại đổ vào đầu người trồng mía (hạ giá thu mua - PV)”, ông Tuyền phân tích.

Theo ông Hà Quang Thiện, Bí thư xã Đức Ninh (Hàm Yên), xã có 25ha mía, tuy nhiên, người trồng đang gặp khó do công chặt, bó, vận chuyển cao, do diện tích không tập trung nên phải ghép nhiều hộ lại mới đủ xe.

Được biết, tại Hà Giang, cuối năm 2017, tỉnh này có 730ha mía nhưng mới có 196ha được trồng theo hình thức liên kết đầu tư với Công ty CP Mía đường Sơn Dương, còn lại người dân tự trồng, tự tìm cách tiêu thụ.

Do giá đường niên vụ 2017 - 2018 giảm 5.000 - 5.500 đồng/kg, do vậy, giá bán bình quân tại kho trung bình chỉ ở mức 11.593 đồng/kg (chưa VAT), dưới giá thành nên Công ty CP Mía đường Cao Bằng bị lỗ.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Nguyễn Công Hàm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, để nâng cao thu nhập cho người dân trồng mía, thời gian tới, tỉnh sẽ chuyển từ sản xuất theo bề rộng sang theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập làm mục tiêu phát triển, cân đối với khả năng tiêu thụ đường của nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía và hạn chế tối đa diện tích phế canh.

Nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với từng địa bàn để giảm lao động thủ công, giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, nhà máy thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước.

Theo ông Lê Quang Tuyền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, cần phải liên kết giữa các hộ để tạo cánh đồng lớn, đưa máy móc, giống mới vào sản xuất, như vậy, mới hạ giá thành, nâng cao năng suất. Quan trọng nhất là liên kết, mỗi nhà chỉ có 2-3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), diện tích quá bé, bây giờ phải tích tụ thành một nhóm 5 - 10 hộ, để cùng chia sẻ lợi nhuận. Hiện, có một số giống mía có triển vọng, năng suất, hàm lượng đường cao, chống chịu được sâu bệnh, phù hợp với vùng miền núi phía Bắc như: KK3, LK92-11, K95-84, K95-156, Uthong 12, K88-92..., bà con có thể tham khảo, lựa chọn.

TS. Trần Văn Khởi khuyến cáo nông dân phải sản xuất theo vùng tập trung, theo tín hiệu thị trường. Nông dân, các nhà khoa học, hệ thống khuyến nông cùng nhau tìm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, làm sao với diện tích cố định như vậy, chúng ta đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro.

Theo TS. Khởi, khi phát triển, mở rộng các vùng nguyên liệu, phải cân đối với đầu ra, với nhu cầu và năng lực của nhà máy đường. Nếu chúng ta sản xuất mía cho công nghiệp nhưng không có đầu ra thì vô cùng rủi ro. Do vậy, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất ra sản phẩm và chế biến công nghiệp. Việc tuân thủ quy hoạch, phát triển một cách có kế hoạch gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ cho sản xuất mía là chìa khóa tăng hiệu quả trong sản xuất mía.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tới đây, công ty sẽ phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con sửa chữa đường vận chuyển. Cùng với đó, công ty tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó, mở rộng ra cả thị trường nước ngoài.

Theo Cục Trồng trọt, các nhà máy đường cần phối hợp với các địa phương rà soát vùng, điều chỉnh lại định hướng và quy mô hợp lý cho mỗi vùng sản xuất theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, cơ giới hóa và nước tưới. Kết hợp xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết các nhà máy để hình thành hệ thống chế biến đường thô và đường luyện, kết hợp với việc phát triển điện thương phẩm từ bã mía, sản xuất cồn...

Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng, để nâng cao năng suất, giá trị từ cây mía, cần đưa giống mới vào sản xuất. Đó là các giống sau khi khảo nghiệm phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng vùng nguyên liệu. Đa dạng hóa sản phẩm mía, đường. Đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hy vọng, trong tương lai, ngành mía đường cả nước nói chung và vùng Trung du miền núi phía Bắc nói riêng sẽ khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới xuất khẩu.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/huong-phat-trien-ben-vung-cho-cay-mia-o-mien-nui-phia-bac-post22738.html