Hướng nghiệp từ bậc tiểu học: Quan trọng là cách làm

Hướng nghiệp sẽ không to tát nếu trong quá trình dạy, giáo viên có ý thức giới thiệu về nghề nghiệp cho học sinh (HS).

Đó là quan điểm của TS Lê Đông Phương- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ông ủng hộ thực hiện hướng nghiệp bắt đầu từ bậc tiểu học với những nghề nghiệp gần gũi, thường xuất hiện trong đời sống thường ngày của mỗi HS.

Hướng nghiệp gần gũi

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện từ tiểu học đến đại học (ĐH).

Nhìn từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, việc phân luồng HS được thực hiện ngay sau cấp THCS. Công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện trong chương trình giáo dục trong nhà trường ngay từ cấp tiểu học. Các giáo viên đều tham gia quá trình hướng nghiệp và đồng thời có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về tư vấn hướng nghiệp cho HS. Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phân luồng. Các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường.

Cụ thể, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông ở Singapore được lồng ghép và tích hợp trong các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi từ bậc trung học đến cả bậc học sau phổ thông. Giáo dục hướng nghiệp gồm 3 giai đoạn: Nhận thức nghề nghiệp; khám phá nghề nghiệp; kế hoạch thực thi nghề nghiệp. Quá trình này giúp cho mỗi người nhận ra bản sắc riêng của chính mình, khám phá ra khả năng ưu thế của bản thân, nhận thức những quyền lợi giá trị nghề nghiệp cần theo đuổi, từ đó có những kế hoạch khả thi để phát triển nghề nghiệp nhằm hướng tới xây dựng năng lực tình cảm xã hội giúp học sinh trở thành chủ động, linh hoạt và dễ thích nghi với môi trường sống.

Công tác giáo dục hướng nghiệp hiệu quả ở Malaysia từ 4 hoạt động sau: Giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ các giáo viên giảng dạy trong lớp học; các hướng dẫn nghề nghiệp ngay từ tiểu học; hướng dẫn nghề nghiệp thông qua các câu lạc bộ nghề nghiệp để HS có cơ hội thảo luận, tranh luận và hiểu sâu sắc cũng như tự tìm kiếm, khám phá, khai thác và đàm phán các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp tương lai; khuyến khích tự tạo việc làm.

Như vậy, dù bắt đầu từ cấp học nào thì việc giáo dục hướng nghiệp cũng nhằm giúp HS có những nhận thức cơ bản bắt đầu đối với các nghề nghiệp trong xã hội. Tuy nhiên, theo danh mục nghề nghiệp của Tổng cục Thống kê hiện đang có trên 900 nghề. Hầu hết mọi người đều không biết về tất cả những nghề này, kể cả người lớn chứ không chỉ HS. Vì vậy, việc hướng nghiệp ở đây không có nghĩa là chỉ ra tất cả những ngành nghề đang có mà tùy từng cấp độ, lứa tuổi sẽ hướng HS đến những ngành nghề từ thông dụng, phổ biến đến cả những ngành nghề chuyên biệt. Chính vì vậy, việc bắt đầu từ cấp tiểu học hoàn toàn không phải là sớm, quan trọng là cách làm như thế nào để hiệu quả và không gây quá tải với HS và giáo viên.

TS Lê Đông Phương kể lại câu chuyện tư vấn tuyển sinh của chính mình ở An Giang. Giữa vùng lúa, vùng cá, ông hỏi: “Tại sao các em không học thú y hay bảo vệ thực vật”. Nhiều học sinh bất ngờ hỏi lại: “Thế cũng là nghề hả thầy?”.

Rõ ràng, những nghề nghiệp quanh các em vẫn nhìn thấy hàng ngày lại không hề nằm trong khái niệm chọn nghề của nhiều HS nơi đây. Thực tế buồn này sẽ có thể được thay đổi nếu HS được giới thiệu về nghề nghiệp từ bậc tiểu học với một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.

Chú trọng đào tạo giáo viên

Dự thảo quy định, các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm để triển khai các công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho HS. Giáo viên kiêm nhiệm công tác này chủ trì tham mưu hiệu trưởng xây dựng kế hoạch triển khai công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT từng đề xuất cần phải đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Cụ thể, thực hiện đào tạo và tuyển dụng vị trí cán bộ theo ngành công tác xã hội trong trường THTP làm công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp. Hạn chế giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp không được đào tạo hoặc đào tạo sai chuyên ngành. Cần đào tạo cán bộ hướng nghiệp tốt nghiệp ở trình độ ĐH để làm việc trong các trường phổ thông, dạy nghề, TCCN và CĐ.

Đối với cấp tiểu học, để có nhân lực chuyên biệt cho công tác này là không khả thi mà sẽ là giáo viên kiêm nhiệm. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên đòi hỏi việc tập huấn cho các giáo viên này cần hết sức bài bản, chặt chẽ để có được những tiết học lồng ghép thú vị, cuốn hút và bổ ích với HS. Không phải lớp nào, HS nào cũng có điều kiện để tham gia các buổi trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp để có được hiểu biết và hình dung về công việc đó. Vì vậy, vai trò dẫn dắt, định hướng của giáo viên là rất quan trọng. Nhất là đối với cấp tiểu học, nếu không có những gợi ý hấp dẫn, lồng ghép khéo léo thì không thể phát huy được hiệu quả của công tác giáo dục hướng nghiệp đối với những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi.

Điều này đòi hỏi giáo viên cần sáng tạo trong phương pháp và nội dung để giúp cho HS có những nhận thức ban đầu về nghề nghiệp, rồi sau đó sẽ khám phá ra nhiều vấn đề khác ở mỗi nghề nghiệp. Trên thực tế, ngay từ bậc mẫu giáo, nhiều trường cũng đã thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé. Đơn giản chỉ là tổ chức cho HS tham gia các hoạt động thực tế như làm đầu bếp, làm bác sĩ khám bệnh… để HS tưởng tượng ra nghề nghiệp tương lai.

“Chúng ta phải thực hiện dần dần và cho trẻ hình thành sự yêu thích đối với nghề nghiệp trong tương lai chứ không phải học hết lớp 1 mà định hướng được nghề nghiệp ngay”- ông Vinh chia sẻ.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/huong-nghiep-tu-bac-tieu-hoc-quan-trong-la-cach-lam-521816.html