Hướng nghiệp cho người trẻ bằng sân khấu

Không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, vở nhạc kịch 'Trại hoa vàng' còn đóng vai trò truyền tải thông tin định hướng chọn nghề cho các em học sinh.

 Vở nhạc kịch "Trại hoa vàng"

Vở nhạc kịch "Trại hoa vàng"

Truyện Nguyễn Nhật Ánh lần đầu lên sân khấu

Từ trung tuần tháng 9/2020, vở nhạc kịch Trại hoa vàng do NSƯT Ánh Tuyết dàn dựng chính thức ra mắt khán giả. Đây là lần đầu tiên truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dựng thành tác phẩm sân khấu.

Chia sẻ về lý do dựng Trại hoa vàng thành nhạc kịch, NSƯT Ánh Tuyết cho biết: Từ lâu chị đã ấp ủ thực hiện một vở diễn dành cho lứa tuổi mới lớn diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ - nhà hát thường dành cho thanh thiếu niên. Để có một vở diễn thu hút các bạn trẻ, có lẽ không một câu chuyện nào thích hợp hơn là truyện của Nguyễn Nhật Ánh – một trong những nhà văn được tuổi học trò yêu thích nhất Việt Nam. Ánh Tuyết cũng là một người mê văn Nguyễn Nhật Ánh, truyện của ông như là một "liều thuốc tâm hồn" đối với chị từ mấy chục năm nay. Mặt khác, có rất nhiều cuốn sách của nhà văn này đã được chuyển thể thành điện ảnh hay truyền hình như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Áo trắng sân trường, Kính vạn hoa, Chú bé rắc rối, Bong bóng lên trời, Thằng quỷ nhỏ... nhưng với sân khấu thì chưa có tiền lệ.

Để kéo người trẻ đến rạp, NSƯT Ánh Tuyết quyết định chọn hình thức nhạc kịch. Điều này có vẻ "trái khoáy", bởi nói đến nhạc kịch, người ta thường nghĩ đến những vở opera, thính phòng kinh điển và kén khán giả. Tuy nhiên, nhạc kịch ở Trại hoa vàng lại là sự kết hợp giữa kịch nói, ca nhạc, vũ đạo và thêm một chút điện ảnh. Đan xen câu chuyện tình yêu học trò trong sáng, lãng mạn của Chuẩn và Cẩm Phô cùng những tinh nghịch, hồn nhiên của đám bạn là 9 bài hát với các phong cách âm nhạc khác nhau như Pop, Rap, Ballad, Thính phòng... Đặc biệt, phần lớn trong đó là những ca khúc hot được giới trẻ yêu thích hiện nay như Thật bất ngờ (Trúc Nhân), Và thế là hết (Soobin Hoàng Sơn), Con đường tôi (Trọng Hiếu), Bohemian Rhapsody (ban nhạc Queen)...

Với một vở nhạc kịch như Trại hoa vàng, đường dây âm nhạc rất quan trọng, chiếm đến 50% thành công của tác phẩm. NSƯT Ánh Tuyết cho biết, chị cảm thấy may mắn khi mời được Vũ Huyền Trung – nhạc sĩ phối khí "ăn khách" thị trường âm nhạc hiện nay và có gu âm nhạc rất gần với người trẻ, với đời sống đương đại – đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc của vở diễn, chịu trách nhiệm toàn bộ phần hòa âm, phối khí. Bản thân Ánh Tuyết cũng là một ca sĩ, vốn là thành viên của nhóm nhạc "Con Gái" đình đám một thời.

Không mạo hiểm chọn những ca khúc quá mới, nhạc sĩ Vũ Huyền Trung và ca sĩ Ánh Tuyết lấy những bài hát đã quen thuộc trong đời sống để đưa vào Trại hoa vàng, khiến khán giả tuổi teen cảm thấy gần gũi. Quả thực, cùng với vũ đạo sôi động, phần âm nhạc hiện đại này đã tạo ra được một không gian nghệ thuật rất trẻ trung, hợp với giới trẻ.

Dùng nghệ thuật định hướng nghề nghiệp

Độc giả yêu thích truyện Nguyễn Nhật Ánh khi xem Trại hoa vàng trên sân khấu nhạc kịch sẽ dễ dàng nhận thấy một điều khác biệt: Câu chuyện chọn nghề của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời được tập trung tô đậm. Trong đó, nhân vật nam chính Chuẩn là một cậu học trò thích trồng hoa, mơ ước sẽ là chủ trang trại hoa nhưng bố cậu vì bị ám ảnh bởi cái nghèo nên muốn cậu phải vào đại học để thay đổi cuộc đời. Trước sự kiên định của Chuẩn, cuối cùng bố cậu cũng đồng ý để cậu chọn con đường khởi nghiệp trồng hoa. Còn các bạn của Chuẩn, mỗi người cũng đều trưởng thành với lựa chọn cho tương lai của mình, trở thành bác sĩ, giáo viên, ca sĩ...

Không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, vở nhạc kịch "Trại hoa vàng" còn đóng vai trò truyền tải thông tin định hướng chọn nghề cho các em học sinh.

Chia sẻ về điều này, NSƯT Ánh Tuyết cho biết, khi bắt tay vào dựng Trại hoa vàng, chị đã nghĩ phải làm sao để vở diễn được lan tỏa rộng rãi, đến được với nhiều khán giả trẻ, đặc biệt là học sinh – sinh viên. Chị nhớ ra một người bạn đang làm công tác hướng nghiệp ở Thành đoàn Hà Nội, có thể kết hợp cùng nhau thực hiện một dự án tư vấn chọn nghề thông qua nghệ thuật cho các bạn trẻ. Để rồi sau đó, vở diễn Trại hoa vàng được triển khai trong Dự án nhạc kịch hướng nghiệp "Chọn nghề trong muôn nghề" của Thành đoàn Hà Nội, đóng vai trò không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn truyền tải thông tin hữu ích về định hướng chọn nghề cho các em học sinh.

Theo anh Lê Anh Tuấn, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên – Thành đoàn Hà Nội, việc đưa nhạc kịch vào dự án hướng nghiệp là một hình thức mới lạ, hấp dẫn các bạn học sinh trong các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại các trường THCS, THPT. Theo đó, nhạc kịch Trại hoa vàng sẽ được diễn trong các buổi tư vấn. Một điều thú vị, phần vũ đạo của vở diễn được bỏ trống để học sinh ở các trường tự dàn dựng và tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ.

"Thay vì nghe các buổi tư vấn khô khan, việc xem một vở nhạc kịch trẻ trung lại có chính bạn bè mình tham gia biểu diễn sẽ khiến các em hào hứng, thích thú hơn. Sau phần biểu diễn, Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia, doanh nhân, nhà báo... sẽ trả lời, giải đáp các câu hỏi của các em", anh Lê Anh Tuấn nói.

"Qua vở diễn, chúng tôi hy vọng những người làm cha làm mẹ sẽ hiểu hơn mong ước của con mình. Nếu phụ huynh hiểu, động viên con mình đi đúng đam mê và khát vọng thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội trưởng thành, thành công", NSƯT Ánh Tuyết chia sẻ thêm.

Truyện dài Trại hoa vàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được xuất bản năm 1994. Nội dung truyện xoay quanh chủ đề tình yêu tuổi ô mai, với giọng văn hóm hỉnh, hài hước

Nhạc kịch Trại hoa vàng do NSƯT Ánh Tuyết đạo diễn, biên kịch Hoàng Trang, giám đốc âm nhạc Huyền Trung, có sự tham gia của các diễn viên trẻ triển vọng như Quang Trọng, Yến My, Hoàng Du Ka, Ngô Lệ Quyên...

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/huong-nghiep-cho-nguoi-tre-bang-san-khau-20201009153821255.htm