Hướng nghiệp bây giờ cũng là muộn mất rồi

Đây là thời điểm học sinh các cấp chuẩn bị thi hết học kỳ 1. Một số phụ huynh đã nhờ tôi trò chuyện, hướng nghiệp sớm cho con em mình đang học lớp 12. Tôi trả lời rằng hướng nghiệp bây giờ cũng là muộn mất rồi nhưng có còn hơn không.

Hướng nghiệp ngay từ đầu năm học lớp 12 cũng là muộn. Nhưng có lẽ phụ huynh và chính các em học sinh cũng không nhận ra điều đó bởi trong suy nghĩ của nhiều người, hướng nghiệp chỉ đơn giản là chọn ngành nào phù hợp với lực học và sở thích của học sinh, cơ hội kiếm tiền sau khi học xong. Hướng nghiệp với tiêu chí đó hẳn không sai nhưng chưa đầy đủ, bởi trong một thời gian ngắn, việc xác định sở thích và sự phù hợp của bản thân với một ngành nghề nào đó mang đầy tính chủ quan, nhất thời và phiến diện. Khi chưa có trải nghiệm đầy đủ, sự hướng nghiệp vội vàng có thể mang lại ảo tưởng và suy diễn cho người trong cuộc.

Khi còn là sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM, tôi hỏi nhiều bạn cùng ký túc xá tại sao họ chọn ngành sư phạm. Bạn trả lời vì… thích được mặc áo dài hằng ngày, bạn lại bảo vì cha mẹ thích, vì làm giáo viên thì có ba tháng hè, vì ít va chạm, vì được nhiều người trọng vọng… Thậm chí có người chọn vì nghề này… dễ lấy chồng. Chỉ một số ít quả quyết rằng đây là ước mơ khát khao từ bé.

Tôi chắc chắn rằng nhiều bạn trẻ khác chọn ngành nghề cũng vì những lý do “râu ria” như thế. Đây chính là vấn đề của hướng nghiệp.

Ai càng hiểu được bản thân mình sâu sắc thì khi hướng nghiệp càng ít sai lầm. Hiểu mình là ai, mình có thể trở thành người như thế nào, mình muốn gì, mình phù hợp với điều gì thì có chọn sai cũng nhanh chóng nhận ra được, nhanh chóng thiết lập lại được mục tiêu cuộc đời mình. Mà để hiểu được bản thân mình, cần có một quá trình đủ dài để hướng nội, chứ không phải là chỉ qua vài chương trình giáo dục hướng nghiệp là có thể nhận ra.

Nhiều phụ huynh luôn đòi hỏi con cái phải cố gắng học giỏi, đạt điểm cao ở tất cả các môn. Cứ phải học giỏi đã, học giỏi để làm gì thì… tính sau. Các thầy cô cũng sốt ruột về điểm số, học sinh phải lên lớp đều cái đã, phải thi đua tốt cái đã. Nhiều trường tư thục còn cam kết về tỉ lệ đậu đại học với phụ huynh. Mục tiêu vào đại học như là mục tiêu tối thượng mà các trường THPT đặt ra cho học sinh . Nhiều đứa trẻ học đến mệt ở trường, tối về làm bài tập tới khuya mới được lăn ra ngủ trong mệt mỏi. Các em có thể có điểm số rất cao nhưng khi được hỏi “con muốn gì” thì câu trả lời nhận được có thể chỉ là “con muốn ngủ mà thôi”. Rồi khi được tư vấn hướng nghiệp, nhiều em căn cứ vào điểm số mà chọn trường “tốp trên” hay “tốp dưới”.

Nhiều phụ huynh Việt có con học ở các nước có nền giáo dục hiện đại, họ an tâm rằng con trẻ được hướng nghiệp từ… tiểu học. Con trẻ được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, tham gia nhiều môn thể thao và nghệ thuật để tự khám phá bản thân, để vun đắp những sở thích của mình. Đó là một quá trình hướng nội rất nhân bản. Một bạn trẻ biết rõ mình thích ngành nông nghiệp sẽ không chọn trở thành kỹ sư dù nghề ấy có hot thế nào. Một bạn trẻ yêu lịch sử sẽ không chọn trở thành bác sĩ dù bạn thừa khả năng thi vào “trường y tốp đầu”. Hiểu rõ bản thân không chỉ có ích trong việc hướng nghiệp mà sẽ giúp con trẻ sống tự tin và hạnh phúc.

Khám phá bản thân luôn là một quá trình dài và phải có đủ trải nghiệm. Chọn nhầm nghề thì có thể chọn lại. Nhưng không biết rõ mình là ai thì có khi phải trả giá chật vật bằng rất nhiều năm tháng của cuộc đời mới nhận ra.

HỒNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/huong-nghiep-bay-gio-cung-la-muon-mat-roi-866591.html