Hướng mở nghề nghiệp và việc làm cho đối tượng yếu thế

Điểm nhấn quan trọng của doanh nghiệp xã hội (DNXH) là tạo ra những dịch vụ và sản phẩm an toàn, hữu ích cho xã hội. Đây cũng chính là một giải pháp hiệu quả trong việc trợ giúp về nghề nghiệp, việc làm cho các đối tượng yếu thế và sự lan tỏa các giá trị nhân văn, sáng tạo trong cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung giới thiệu các sản phẩm bánh Tròn xoe.

Khai phá tiềm năng người tự kỷ

Là một tình nguyện viên chuyên giúp đỡ người tự kỷ (NTK) và trẻ em tự kỷ ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Kim Dung nhận ra thực trạng xã hội có nhiều NTK lớn lên, các trường giáo dục đặc biệt không nhận nữa và họ cũng không được doanh nghiệp, cơ quan nào nhận vào làm việc.

Với mong muốn xây dựng một mô hình có thể tạo việc làm cho NTK, chị Dung đã mở tiệm bánh ngọt Tròn xoe để đào tạo nghề làm bánh cho NTK. Đây là một tiệm bánh online hướng tới các sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên, bảo đảm các tiêu chí: Xanh, lành, ngon.

Có khá nhiều sản phẩm bánh ngọt như: Bánh quy gấu, bánh quy chuối sấy, húng quế muối, bánh cuộn matcha, chocolate…

Từ năm 2009, Hội đồng Anh đã giới thiệu Chương trình Hỗ trợ DNXH tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Hội đồng Anh tại Việt Nam đã gắn bó và đồng hành cùng DNXH Việt Nam ngay từ những ngày đầu thông qua bốn hợp phần của dự án:Nghiên cứu; Đối thoại chính sách; Xây dựng năng lực và Nâng cao nhận thức cộng đồng.

Chị Dung chia sẻ: “Mỗi NTK đều có một khả năng, thế mạnh riêng, doanh nghiệp bánh Tròn xoe nhằm tìm kiếm, khai thác, phát triển những tiềm năng của NTK để tạo ra những sản phẩm tốt. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp và NTK đều cùng hưởng lợi từ cách làm này.

Qua khảo sát tôi nhận thấy có nhiều bạn tự kỷ rất thích nghề làm bánh. Tiệm bánh đang dạy nghề và tạo việc làm cho 5 bạn tự kỷ, họ hoàn toàn có khả năng để học nghề và làm việc”.

Về những khó khăn của DNXH, chị Dung cho biết, mô hình còn tương đối mới mẻ nên nguồn lực tài chính chưa đủ để phát triển mở rộng.

Bên cạnh đó, truyền thông đến với khách hàng còn nhiều hạn chế. Đối với truyền thông xã hội, khi nghe đến mô hình này, nhiều người lại hiểu lầm theo hướng doanh nghiệp tìm kiếm sự trợ giúp từ thiện cho NTK. Đó hoàn toàn không phải là mục tiêu của DNXH.

Chị Dung mong muốn tới đây sẽ mở được một cửa hàng bán cà phê đi kèm với bánh ngọt, với mô hình này, các bạn tự kỷ sẽ được thử sức ở nhiều vị trí làm việc hơn như: Pha cà phê, phục vụ bàn, thu ngân…

Việc xây dựng một mô hình DNXH tiên phong để cộng đồng thấy được tiềm năng của NTK, qua đó có thể nhận họ vào làm việc nhiều hơn đang là một mô hình doanh nghiệp vì cộng đồng rất cần được khuyến khích phát triển.

Thúc đẩy các giá trị nhân văn

Khái niệm “DNXH” đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2014. Hiện nay, các DNXH cung cấp cho thị trường rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau: Từ thời trang, phụ kiện, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, đồ uống, tới các dịch vụ về du lịch, đào tạo, y tế…

Mặc dù vậy, sự nhận biết của công chúng đối với DNXH nói chung và sản phẩm của DNXH nói riêng vẫn còn khá hạn chế.

Những khó khăn, trở ngại mà DNXH phải đối mặt luôn nhiều hơn các doanh nghiệp thông thường. Họ phải có sự đam mê và ý chí mạnh mẽ để giải quyết những xung đột giữa kinh doanh và xã hội.

Nếu bị cuốn theo kinh doanh quá mức, sẽ dễ làm chệch hướng mục tiêu xã hội, ngược lại nếu chỉ chú trọng khía cạnh xã hội, sẽ làm DNXH kém bền vững về tài chính.

Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: Các DNXH không phải là một tổ chức từ thiện như nhiều người thường nghĩ, họ là những doanh nghiệp thực thụ, có nguồn thu thực, lợi nhuận thực… Sản phẩm của họ không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà đặc biệt còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn cho xã hội.

Anh Quang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/huong-mo-nghe-nghiep-va-viec-lam-cho-doi-tuong-yeu-the-3991529-b.html