Hương lúa Rục Làn

“Còn khoảng 3 ngày nữa là bản sẽ thu hoạch lúa ở cánh đồng Rục Làn, vụ Đông - Xuân năm nay lúa được mùa lắm, lại ít bị sâu bệnh nên chắc phải đạt hơn 2,5 tạ/sào đấy. Gặt trong 2 ngày sẽ xong, nắng to như ri phơi khoảng 3 ngày là lúa sẽ khô và cất được vào thùng. Xong mọi công việc bản sẽ tổ chức lễ vui lúa mới, mời anh ở lại vui lễ lúa mới với dân bản rồi hãy về xuôi”-anh Cao Xuân Long, trưởng bản Mò O ÔỒ̀, xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình hồ hởi nói với tôi.

CBCS đồn Biên phòng Cà Xèng tuốt lúa giúp dân.

CBCS đồn Biên phòng Cà Xèng tuốt lúa giúp dân.

Tháng 8-1959, Tổ tuần tra thuộc lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) tỉnh Quảng Bình phát hiện 34 người Rục sống trong các hang đá nơi rừng sâu, sau đó được các CBCS tuyên truyền, vận động đưa ra khỏi hang về định cư tại bản Ón, Yên Hợp và Mò O ÔỒ̀, xã Thượng Hóa. Nhưng do khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh, dịch bệnh và những năm tháng khó khăn của đất nước… đã không giữ được chân họ. Năm 1989, đồng bào quay trở lại hang đá. Lần thứ 2, cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP lại phải nỗ lực vận động người Rục quay trở về với cộng đồng. Quá lâu năm sống trong rừng, quen săn bắt, hái lượm, đồng bào Rục không biết làm nông nghiệp, không quen với cuộc sống định canh, định cư; “Tiếng gọi nơi hoang dã” luôn thường trực trong họ, chỉ cần một tổn thương nhỏ trong cuộc sống thì tư tưởng vào hang lại trỗi dậy. Nhằm bảo tồn tộc người Rục, nhiều thế hệ CBCS đồn Biên phòng Cà Xèng (BĐBP Quảng Bình) cùng với các cấp chính quyền, ngành quyết tâm giúp đỡ đồng bào dần từ bỏ cuộc sống “người rừng”…

Thành công đầu tiên của BĐBP đồn Cà Xèng là giúp đồng bào Ma Coong, bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch làm 1,5 ha lúa nước, đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, H. Lệ Thủy làm 2,2 ha lúa nước năng suất trên 40 tạ/ha. Tiếp đó, hộ ông Cao Trung Trực ở bản Mò O ÔỒ̀ được CBCS đồn Biên phòng Cà Xèng hướng dẫn khai hoang 1.400m2 dưới chân dãy núi Rục Làn và 50m2 tại khu đất do đồn quản lý để thí điểm trồng cây lúa nước, kết quả ngay từ vụ đầu tiên, năng suất đã đạt gần 40 tạ/ha. Sau đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp đi khảo sát nguồn nước, diện tích đất, chất đất. Sau khi có kết quả, đã làm tờ trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình cho BĐBP được làm ruộng lúa nước tại khu đất rộng 10 ha dưới chân dãy núi Rục Làn để giúp bà con người Rục lao động xây dựng kinh tế, ổn định lâu dài cuộc sống. Được đồng ý, tháng 2-2010, dự án “Công trình thủy lợi ruộng lúa nước Rục Làn”, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng được khởi công. Khi thực hiện, CBCS đơn vị gặp vô vàn khó khăn nhưng với quyết tâm và ý chí của người lính, CBCS đồn Biên phòng Cà Xèng đã biến vùng đất khó này thành cánh đồng rộng 10ha với tên gọi: Cánh đồng Rục Làn…

Suốt cả tuần nay, không ngày nào trưởng bản Mò O ÔỒ̀ Cao Xuân Long vắng mặt trên từng thửa ruộng, cùng với các cán bộ “Tổ kỹ thuật” đồn Biên phòng Cà Xèng kiểm tra cánh đồng lúa để xác định ngày thu hoạch. Ban ngày đi thăm ruộng, tối đến, anh Long lại đến từng nhà dân thông báo tình hình và kiểm tra việc chuẩn bị của bà con cho đợt thu hoạch lúa. Sáng sớm ngày 28-4, bà Hồ Thị Páy đã thức dậy, nấu cơm và chuẩn bị mọi thứ cần thiết để cùng bà con trong bản ra đồng mang cái lúa về nhà. Bà Páy vui nhiều vì vụ mùa này bà tham gia nhiều ngày công nên chắc chắn sẽ được chia nhiều lúa. Rồi bà nhớ lại khi chồng bà bị bệnh nặng qua đời, nhà không có ai đủ sức khỏe lên núi cao phát rẫy, nhà chẳng có khi nào đủ gạo ăn đến ngày giáp hạt, bà và nhiều gia đình trong bản phải trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước.

Thế nhưng từ khi có ruộng lúa nước Rục Làn đến nay, 9 năm qua, cả bản Mò O ÔỒ̀ không còn nhà nào bị đói, thiếu gạo trong những ngày mưa rét, lũ lụt. Lũ trẻ cũng không phải nghỉ học ở nhà lên núi phát rẫy trỉa ngô. Trời chưa sáng rõ mặt người, cả cánh đồng Rục Làn đã rộn rã tiếng cười, nói của bà con dân bản và CBCS Biên phòng trong ngày đầu tiên thu hoạch lúa. Già Đinh Xuân Sơn, hồ hởi khoe với tôi: “Lúa vụ ni được mùa to nên bà con mừng lắm. Trước đây bà con phải lên rừng phát nương làm rẫy, phá rừng, nhưng giờ có BĐBP đồn Cà Xèng chỉ cách làm lúa nên bà con có thóc lúa và không phát rừng như xưa nữa”. Lúa gặt xong, bà con vận chuyển lên bờ và được các chiến sĩ Biên phòng sử dụng máy để tuốt rồi đóng vào từng bao sau đó tùy theo ngày công của từng gia đình để chia sản phẩm.

Sau 9 năm đi vào hoạt động, dự án “Ruộng lúa nước Rục Làn” của CBCS đồn Biên phòng Cà Xèng đã đem lại niềm tin no ấm cho bà con đồng bào Rục nơi miền biên viễn.

Thành Phú

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_206077_huong-lua-ruc-lan.aspx