Ghi ở nơi nắng nóng phá kỷ lục Việt Nam mọi thời kỳ

Mấy ngày gần đây, huyện Hương Khê được xem là đỉnh điểm của nắng nóng. Nhiệt độ có lúc lên đến hơn 430C, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Hơn 1 tuần nay, nắng nóng gay gắt ảnh hưởng rất lớn sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh tại một số vùng trên địa bàn huyện Hương Khê – Hà Tĩnh. Một số diện tích cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch đã bị rụng quả, nguồn nước sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Hương Khê là địa phương đỉnh điểm của nắng nóng trong những ngày qua

Hương Khê là địa phương đỉnh điểm của nắng nóng trong những ngày qua

Ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm cho biết: "Thời điểm này, cam đang trong giai đoạn sinh trưởng, quả to gần bằng quả chanh. Thế nhưng, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cam thiếu nước nên bị rụng quả. Nhiều cây trong vườn rụng mất 1/3, nhìn mà xót cả ruột".

Nắng nóng làm một số diện tích cây cam bị khô héo

“Nan giải nhất ở đây là điện không có nên việc chống hạn cho cam gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cũng chỉ đạo bà con dùng máy phát điện bơm nước tưới nhưng cũng chỉ một phần nào bởi chi phí quá lớn. Mỗi ha tưới phải mất từ 3 – 4 triệu đồng tiền dầu, trong khi đó, tổng diện tích của HTX gần 70 ha. Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, nguy cơ cam mất mùa rất có thể xẩy ra.” – ông Nhâm lo lắng.

Khô hạn, thiếu nước dẫn đến cam bị rụng quả

Ông Đinh Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho hay: Toàn xã có hơn 300 ha cam. Nắng nóng hiện đã làm cho gần 100 ha có hiện tượng héo lá. Những diện tích trên chủ yếu tập trung tại thôn 1 và thôn 6. Đây là những vùng khó khăn về nguồn điện. Hiện cũng chưa có giải pháp gì để “cứu” những diện tích cam bị thiếu nước nếu trời không mưa.

Nắng nóng ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của người dân xã Phúc Trạch

Giếng đào khô cạn

Nắng nóng cũng đã làm cho các giếng nước khô cạn ảnh hưởng đển đời sống sinh hoạt của người dân xã Hương Trạch. Anh Nguyễn Văn Thiện (thôn 11, xã Hương Trạch) cho biết: "Đây là vùng khó khăn nhất về nguồn nước sinh hoạt. Các hộ dân đều phải dùng giếng khoan, giếng đào. Những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều giếng nước đã cạn. Không có nước để sinh hoạt buộc người dân phải đi xin nước các hộ khác về dùng. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn".

Theo ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, nắng nóng không chỉ làm nhiều hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt mà hiện tại cây trồng cũng đã bị ảnh hưởng. Toàn xã hiện có 110 ha lạc và hơn 70 ha ngô đang vào kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, tại một số vùng đất cát đã xẩy ra hiện tượng ngô, lạc bị chết do khô hạn. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng.

Người dân Hương Khê bổ sung nguồn nước tưới cho cây bưởi trước thời tiết khắc nghiệt

Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh cho rằng: Đợt nắng nóng vừa qua chỉ mới ảnh hưởng cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, nắng nóng tiếp tục kéo dài chắc chắn gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Trong đó, lo ngại nhất về quá trình phát triển, sinh trưởng của các loại cây đặc sản như cam, bưởi và các loại cây trồng cạn khác.

Để hạn chế thiệt hại, người dân cần tưới nước vào buổi tối và buổi sáng; chăm sóc tốt cho cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại năng suất, sản lượng; chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm,

Hữu Trung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/ghi-o-noi-nang-nong-pha-ky-luc-viet-nam-moi-thoi-ky/171738.htm