Hương Giang và dự định tổ chức cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới ở Việt Nam

Mới đây, Hoa hậu Chuyển giới (HHCG) Quốc tế 2018 Hương Giang đã chia sẻ thông tin mình trở thành Giám đốc Quốc gia của Việt Nam cho cuộc thi HHCG Quốc tế, đồng thời bày tỏ mong muốn tổ chức được cuộc thi HHCG Việt Nam để tìm kiếm gương mặt đại diện cho các mùa thi năm sau. Thông tin này đang khiến cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính và chuyển giới) cùng dư luận quan tâm. Tuy nhiên, liệu một cuộc thi đặc biệt như vậy có thuận lợi khi tổ chức tại Việt Nam?

Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế Hương Giang. Ảnh: TL

Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế Hương Giang. Ảnh: TL

Không dễ xin cấp phép, kinh phí

Chia sẻ cùng báo giới, HHCG Hương Giang cho biết, việc cô trở thành Giám đốc Quốc gia của Việt Nam cho cuộc thi HHCG Quốc tế cũng đồng nghĩa với việc cô sẽ là người lựa chọn, đồng hành cùng người đẹp chuyển giới Việt Nam tham gia cuộc thi HHCG Quốc tế trong năm tới đây. Hương Giang cho biết, mong muốn lớn nhất của cô sau khi đăng quang là đứng ra tổ chức, đưa cuộc thi HHCG về Việt Nam, bởi từ trước đến nay trong nước vẫn chưa có cuộc thi này. “Người chiến thắng tại cuộc thi này sẽ đại diện Việt Nam đường hoàng bước ra Miss International Queen 2019”, tân Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang hào hứng và cho biết đây sẽ là một sân chơi chuyên nghiệp dành cho những người chuyển giới.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về dự định đưa cuộc thi HHCG về Việt Nam, bà Thúy Nga - Giám đốc Công ty Elite, đơn vị chuyên đào tạo, nắm bản quyền đề cử các thí sinh Việt Nam dự thi tại các cuộc thi Hoa hậu, người mẫu quốc tế cho biết: “Việc Việt Nam có thể/có nên tổ chức được một cuộc thi như thế hay không thì tôi không có trách nhiệm phát ngôn, bình luận bởi đó thuộc quyền của các cơ quan chức năng, của công chúng, dư luận. Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của tôi, rất khó để so sánh cuộc thi HHCG ở Việt Nam với cuộc thi HHCG ở Thái Lan”.

Bà Thúy Nga phân tích thêm: “Ở Thái Lan, công nghệ “sex” rất phát triển, trong đó có vấn đề chuyển giới. Từ công nghệ ấy, quan niệm, của công chúng nước họ thấy rất bình thường. Thậm chí, có thể còn có những chiến lược tăng hiệu ứng giải trí qua những hoạt động thi đấu để đi kèm với phát triển du lịch. Còn ở Việt Nam, nếu tổ chức, ban đầu có thể chỉ mang tính giải tỏa tâm lý cho cộng đồng chuyển giới, cộng đồng LGBT, thỏa mãn trí tò mò. Sự đón nhận của đại đa số công chúng thì chưa thể biết được kể cả quá trình đưa tin, vào cuộc của báo chí truyền thông. Việc đưa tin có thoải mái không, mức độ thế nào còn phụ thuộc vào sự hợp pháp, quy mô, uy tín cuộc thi. Hầu hết những người muốn chuyển giới đều sang Thái Lan thực hiện khát khao của mình. Bởi thế, không phải bỗng dưng mà quốc gia này tổ chức cuộc thi HHCG rầm rộ”.

Giám đốc Công ty Elite nhận định thêm: “Rất có thể, tổ chức HHCG ở Việt Nam một lần đầu sẽ thành sự lạ, được chú ý. Điều đó tương tự như việc Hương Giang đi thi, đoạt ngôi vị Hoa hậu đã rất tạo hiệu ứng. Hiệu ứng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thực tế là quả thật cô ấy đẹp, đầu tư kỹ càng đồng thời cũng là lần đầu tiên công chúng trong nước được tiếp cận đầy đủ thông tin về một cuộc thi HHCG Quốc tế như thế. Tuy nhiên, nếu là người thứ hai, thứ ba sau Hương Giang đoạt thành tích cao thì mức độ quan tâm vẫn có thể sụt giảm. Đó là điều bình thường”.

Nếu Hương Giang làm được sẽ là niềm vui lớn...

Về câu chuyện HHCG Hương Giang ấp ủ ý tưởng mang cuộc thi HHCG Quốc tế về Việt Nam, một mỹ nhân “đình đám” của cộng đồng chuyển giới đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí cho biết: “Chuyện Hương Giang tuyên bố là một lẽ, nhưng thực hiện được hay không lại là câu chuyện khác. “Cửa ải” đầu tiên là liệu cuộc thi này có được cấp phép không? Bản thân tôi từng muốn làm việc ấy cho cộng đồng của mình suốt 2 năm qua mà không xin được giấy phép. Chưa kể, thời gian này, các cuộc thi sắc đẹp càng bị quản lý chặt chẽ sau những lùm xùm nghi vấn mua giải và sai sót trong khâu tổ chức, điển hình như cuộc thi Hoa hậu Đại dương. Sở dĩ tôi không lên tiếng trên báo chí là bởi chính tôi đã không xin được giấy phép, không muốn người khác hi vọng rồi lại thất vọng. Giả sử, xin được giấy phép rồi thì kinh phí tổ chức cho một cuộc thi như vậy ước tính cỡ 5 tỷ đồng, cũng là một phép toán khó trong việc xin tài trợ, kêu gọi quảng cáo… Nếu Hương Giang làm được cả hai điều này, tôi rất vui vì những gì mình muốn làm cho cộng đồng chuyển giới mà chưa làm được”.

Ca sĩ Lê Linh - một người thuộc cộng đồng LGBT chia sẻ: “Trong giới LGBT, nhóm chuyển giới là nhóm đặc biệt nhất. Bởi bên trong họ có mâu thuẫn rất lớn giữa nội tâm và thể xác. Họ khao khát, sẵn sàng trả bất cứ giá nào được “lột xác” cho ngoại hìn hợp nhất với tâm hồn. Họ mong muốn điều đó hơn bất cứ gì khác trên đời. Ngay cả đánh đổi cả tính mạng mình. Bất cứ một hoạt động cộng đồng nào về LGBT đều hướng tới mục đích xóa đi định kiến và đòi quyền tự do, công bằng cho những người thuộc cộng đồng này. Việc HHCG Hương Giang dự định đưa cuộc thi quy mô quốc tế này về Việt Nam, nếu thực hiện được là việc làm rất tích cực, thiết thực và mang đến niềm vui lớn cho cộng đồng LGBT. Điều đó sẽ là bước đột phá có tính “lịch sử” cho cộng đồng LGBT, đặc biệt là với các bạn chuyển giới nữ”.

Về khó khăn trong quá trình đưa cuộc thi HHCG về Việt Nam, Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang khẳng định, trước mắt, cô còn một quá trình dài, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để xin phép các cơ quan chức năng trong nước bởi Việt Nam vẫn chưa có quy định về thi nhan sắc dành cho người chuyển giới. Người đẹp cho hay, cô đang hoàn tất các thủ tục để trình lên cơ quan cấp phép.

Tân Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang bày tỏ: “Tôi hy vọng chiến thắng của mình tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế vừa qua sẽ tạo tiền đề tốt, mang đến cái nhìn tích cực hơn về những sân chơi dành cho người chuyển giới. Tôi mong những người chuyển giới có thể tự tin đi thi mà không gặp trở ngại về mặt pháp lý hay sự kỳ thị từ những người xung quanh”.

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/huong-giang-va-du-dinh-to-chuc-cuoc-thi-hoa-hau-chuyen-gioi-o-viet-nam-20180405081203115.htm